Các hãng xe Hàn Quốc đã đánh bại đối thủ Nhật như thế nào
Nghiên cứu chất lượng ban đầu (Initial Quality Study) của họ theo dõi các vấn đề mà người mua gặp phải trong 90 ngày đầu tiên sử dụng xe. Theo đó, Kia xếp thứ 2 về chất lượng năm nay, sau Porsche. Còn Hyundai đứng thứ 4, sau Jaguar. Porsche và Jaguar đều là những thương hiệu xa xỉ.
Với ngành công nghiệp ôtô Hàn, đây đúng là tin vui. Nhưng việc này hoàn toàn không gây ngạc nhiên cho đối thủ hay giới chuyên môn, bởi họ đã theo sát từng bước phát triển của hai thương hiệu này trong một thập kỷ qua. Chiến lược Hyundai và Kia sử dụng để vượt qua các hãng xe Nhật Bản (như Toyota) và Đức (như Mercedes-Benz) đã được chứng minh không chỉ đúng trọng tâm, có tính toán và hiệu quả, mà còn rất dễ quan sát từ bên ngoài.
Có 3 nguyên nhân giúp Hyundai và Kia xếp trên người hàng xóm Nhật Bản năm nay. Đầu tiên là sự cam kết về chất lượng. Hyundai - hiện điều hành hai công ty con đều là thương hiệu Hàn Quốc – đã nhận ra rằng chất lượng của họ thực sự tồi tệ và chỉ có cách cải tiến thì mới có cơ may thành công ở thị trường Mỹ. Năm 1998, Hyundai đã ban hành một chính sách lâu dài nhằm đưa chất lượng trở thành tiêu chí hàng đầu.
"Việc áp dụng triệt để chính sách này được ghi nhận và thể hiện trong các bản đánh giá hiệu suất cũng như tất cả các hoạt động khác của công ty", John Krafcik - chủ tịch TrueCar cho biết trong một buổi phỏng vấn. Krafcik đầu quân cho Hyundai từ năm 2004 và làm việc tại đây với vai trò CEO mảng hoạt động ở Mỹ.
Don Southerton - chuyên gia văn hóa Hàn Quốc hiện sinh sống tại Mỹ, kiêm cố vấn cho cả Hyundai và Kia, giải thích trong một buổi phỏng vấn rằng: "Cả hai công ty đều kiên định với tôn chỉ về chất lượng và chưa từng bị dao động trong nhiều năm qua. Họ tin tưởng tuyệt đối vào kết quả của chiến lược này".
Trước khi tung ra mẫu xe mui kín Sonata cỡ trung - đối thủ của những tên tuổi đình đám như Toyota Camry và Ford Fusion, các kỹ sư Hyundai đã phải “tháo ra lắp lại cho đến khi họ an tâm rằng không còn bất kỳ một vấn đề hay lỗi kỹ thuật tiềm tàng nào nữa”.
Mẫu xe ô tô nhỏ Hyundai Excel, nhập khẩu từ Hàn Quốc và đang bán với mức giá 10.000 USD, đã khiến hãng này bị gán mắc chuyên sản xuất ô rẻ tiền và độ bền kém vào những năm 1990. Những vụ thu hồi xe, khiếu nại và đánh giá thấp từ người tiêu dùng đã khiến Hyundai phải đưa ra gói bảo hành 160.000 km trong vòng 10 năm vào năm 1998 - hào phóng nhất trong ngành công nghiệp ô tô.
"Các doanh nghiệp Hàn Quốc thời đó chỉ biết tập trung vào số lượng. Tình thế đã thay đổi vào những năm 90 khi nền công nghiệp Hàn Quốc chứng kiến Samsung phất lên nhờ tập trung vào chất lượng", Southerton nhận định.
Một yếu tố khác cũng quan trọng không kém là sự kiện Chung Moong-koo trở thành giám đốc điều hành của Hyundai. Chung sinh ra trong một gia đình nông dân, từng làm công việc sửa xe cho quân đội Mỹ thời trẻ và trở thành chủ tịch kiêm CEO Hyundai lẫn Kia năm 2000.
Sự phục tùng tuyệt đối của cấp dưới chính là dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng của ông trong công ty. Mọi quyết định của Chung được thực hiện một cách tức thì, cẩn thận mà không vướng phải bất kỳ thắc mắc nào.
Tuy vậy, "Hyundai vẫn luôn sẵn sàng đón nhận những ý kiến phê bình và góp ý", Krafcik cho biết, "Đôi khi các kỹ sư cũng không đồng tình với phản hồi từ khách hàng".
Yếu tố cuối cùng chính là việc nhà sản xuất ý thức được rằng các sản phẩm của họ thiếu tính bắt mắt. Năm 2006, dưới áp lực từ khách hàng Mỹ rằng ôtô của hãng trông "kỳ cục", Hyundai đã tìm tới Peter Schreyer - một nhà thiết kế của Audi nổi tiếng với mẫu xe thể thao 2 cửa – Audi TT. Ngay lập tức, đánh giá từ khách hàng được cải thiện. Dưới sự hướng dẫn của ông, Kia Soul và các dòng xe khác đã được ra đời. Hồi đầu tháng 6, Hyundai đã tuyển dụng Luc Donckerwolke, một nhà thiết kế khác của Audi để thay thế Schreyer khi ông này sẽ về hưu trong 2 năm nữa.
Nguồn Vnexpress