tỷ phú người Nga 29 tuổi Evgeny Denisenko. Ảnh: Apolis

 
An Lê Thứ Tư | 11/12/2019 13:16

Các gia tộc siêu giàu đang tham gia vào thị trường nợ tư nhân trị giá 787 tỷ USD

Trong khi các ngân hàng đang hạn chế cho vay thì giới siêu giàu lại đang cung cấp các gói vay trực tiếp để mang về tỷ suất sinh lợi cao

Giống như nhiều người thuộc giới siêu giàu toàn cầu, nhà tài chính Evgeny Denisenko ở Monaco đang phải đối mặt với một thách thức đầu tư.

Bốn năm trước, Denisenko thu được một khoản tiền lên đến hàng triệu USD khi bán cổ phần cho một tập đoàn dược phẩm lớn của Nga.

Tuy nhiên trong lúc mà các ngân hàng trung ương đang duy trì nền kinh tế theo hướng trợ cấp xã hội thông qua các chính sách lãi suất thấp và trái phiếu có tỷ suất sinh lợi âm thì các tài sản đầu tư truyền thống vốn thường được các gia tộc giàu có ưa chuộng ngày càng khan hiếm và kém hiệu quả.

Điều này có nghĩa là giá trị thực của các khoản đầu tư đang bị sụt giảm dần, khiến cho Denisenko phải đối mặt với thách thức làm thế nào để đảm bảo rằng các thế hệ tương lai của gia tộc anh cũng sẽ giàu có như chính anh bây giờ.

Theo chàng tỷ phú người Nga 29 tuổi này, giải pháp cho vấn đề trên nằm ở thị trường cho vay đối với các nhà đầu tư mạo hiểm và các doanh nghiệp mà thị trường này thường được các ngân hàng đánh giá là quá rủi ro. “Nếu bạn chốt được một thương vụ hợp lý thì chắc chắn đó là một trong những loại tài sản tốt nhất vào lúc này”, ông Denis Denisenko nói.

Các khoản cho vay trực tiếp vào các dự án thăm dò dầu khí, vào các dự án bất động sản hạng sang hay vào các doanh nghiệp vốn tư nhân và các công ty khởi nghiệp công nghệ cần nhiều tiền mặt, có thể sẽ mang lại tỷ suất sinh lợi cao hơn thị trường trái phiếu thông thường.

Chính điều này đã thu hút sự quan tâm của gia đình Denisenko cũng như những người khác trong giới thượng lưu toàn cầu, ví dụ như ông chủ cũ của đội bóng chày Los Angeles Dodgers - ông Frank McCourt Jr.

Ông hiện tại đang là quản lý của quỹ Proventus Captital có trụ sở tại Stockholm, vốn được tách ra từ Công ty quản lý tài sản gia đình (family office) của nhà tài chính Thụy Điển Robert Weil. Quỹ này đang thực hiện đầu tư thay các khách hàng giàu có, cũng như các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường.

Các Công ty quản lý tài sản gia đình thường đầu tư vào thị trường tín dụng tư nhân thông qua các quỹ. Theo các hồ sơ thuế, Gia tộc Pritzker - những người sở hữu chuỗi khách sạn Hyatt và Quỹ Tín thác Bill & Melinda Gates cũng đã rót tiền vào các quỹ để đầu tư mua lại các khoản nợ xấu.

Tín dụng tư nhân đang bùng nổ trên toàn cầu vì hiện nay các ngân hàng đang phải hạn chế cho vay đối với các công ty nhỏ hoặc các công ty yếu kém do các nhà làm luật muốn giảm thiểu rủi ro kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo công ty nghiên cứu Preqin có trụ sở tại London, từ quy mô 42,4 tỷ USD năm 2000, thị trường tín dụng tư nhân hiện nay đã phát triển lên mức 787,4 tỷ USD.

Preqin cho biết các Công ty quản lý tài sản gia đình (là các công ty đầu tư nhỏ được thành lập bởi những người siêu giàu để quản lý tài sản cá nhân của họ) đã đầu tư ngày càng nhiều tiền vào lĩnh vực cho vay trực tiếp.

Công ty quản lý tài sản gia đình của Denisenko, được biết đến với cái tên Apolis, có mục tiêu đầu tư khoảng 50 triệu USD mỗi năm trên khắp thế giới vào các công ty thuộc nhiều lĩnh vực như gia công, dầu mỏ và bất động sản.

Tính đến tháng 10/2019, 393 Công ty quản lý tài sản gia đình đã đầu tư vào thị trường nợ tư nhân, tăng 264 công ty so với năm 2015. Axial Networks Inc., Công ty điều hành một diễn đàn trực tuyến tập hợp những người vay và cho vay, ước tính rằng trên nền tảng của Axial cung cấp, các Công ty quản lý tài sản gia đình sẽ ký kết tới 275 giao dịch tín dụng tư nhân vào năm 2019, tương đương tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm.

Theo khảo sát của Alternative Credit Councilc, xu hướng đầu tư trên có thể sẽ tiếp tục kéo dài. Kết quả này dựa trên khảo sát các công ty quản lý tài sản tín dụng tư nhân với giá trị trên 400 tỷ USD cho thấy rằng có đến 50% công ty kỳ vọng rằng các Family Office sẽ tiếp tục rót thêm tiền vào các khoản nợ tư nhân trong vòng ba năm tới

Cạnh tranh khốc liệt

Alan Snyder, người sáng lập và đồng quản lý của Shinnecock Partners, một Công ty quản lý tài sản gia đình có trụ sở tại Los Angeles nhận định rằng không có một bí quyết nào khi đầu tư vào thị trường này. “Chúng tôi thích đầu tư vào những nơi đang thiếu vốn”, vị quản lý này cho biết.

Shinnecock hiện đang cung cấp các khoản vay từ 5 triệu đến 25 triệu USD và tập trung vào các chiến lược như cho vay bất động sản ngắn hạn, trái phiếu đô thị yếu kém và cho vay đối với tài sản liên quan đến nghệ thuật.

Quỹ cho vay nghệ thuật này được thành lập khoảng 30 tháng trước, đã thực hiện các giao dịch với tổng giá trị lên đến 17 triệu USD  và nhận được sự quan tâm của nhiều người sẵn sàng mang các tác phẩm nghệ thuật của họ ra thế chấp cho khoản vay.

Theo Robert Crowter-Jones, Giám đốc quản lý vốn tư nhân tại Saranac Partners, một công ty tư vấn có trụ sở tại Luân Đôn cho các cá nhân và gia đình giàu có cho biết ngoài tỷ suất sinh lợi hấp dẫn, cảm giác mà việc cho vay trực tiếp với những mạo hiểm để tìm kiếm phần thưởng cho những rủi ro lớn hơn cũng góp phần làm các gia tộc giàu có thấy thích thú hơn.

Dean. Ảnh: Avamore Capital
Michael Dean. Ảnh: Avamore Capital

Tuy nhiên khi kênh đầu tư này của các tỷ phú trở nên “hot” thì sự cạnh tranh của các giao dịch cho vay tư nhân chính thức nổ ra và điều này khiến các nhà đầu tư phải hứng chịu nhiều rủi ro hơn. Thị trường cho vay tầm trung (nơi tập hợp các khoản vay từ 50 triệu đô la trở lên) đang trở nên quá đông đúc. Sự canh tranh khốc liệt cũng đang bắt đầu làm giảm tỷ suất sinh lợi của các khoản vay trực tiếp này .

Michael Dean thuộc Công ty quản lý tài sản gia đình Bluelaurel, đã cảm nhận được sự cạnh tranh này. Avamore Capital, một công ty cho vay tập trung vào bất động sản mà Bluelaurel đã đầu tư, ban đầu tạo ra tỷ suất sinh lợi lên đến hai chữ số tuy nhiên do cạnh tranh nên hiện nay tỷ suất sinh lợi giảm chỉ còn một nửa. Tuy nhiên, ông ta kỳ vọng vẫn sẽ duy trì tới 80% tài sản của gia tộc mình trong tín dụng bất động sản tư nhân.

Ngoài ra thị trường này còn tiềm ẩn những rủi ro thanh khoản. Các gói vay cơ bản trong thị trường nợ tư nhân không được giao dịch rộng rãi, điều đó có nghĩa là các khoản vay này rất khó bán khi thị trường có nhiều biến động. Bên cạnh đó, khi đầu tư vào một quỹ đóng thì vốn đầu tư sẽ bị đóng băng và hầu như không có cơ hội để rút ra cho đến khi đáo hạn.

Tuy nhiên những quan ngại về chất lượng tín dụng sụt giảm, về việc cạnh tranh gay gắt hơn hoặc về thị trường suy thoái đều không thể làm giảm được độ hấp dẫn của nợ tư nhân đối với các nhà đầu tư. Nợ vẫn sẽ chiếm một tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của các Công ty quản lý tài sản gia đình khi họ mở rộng đầu tư sang các thị trường tư nhân trong tương lai gần. 

Nguồn Bloomberg