Thứ Năm | 23/07/2015 14:40

Các đồng tiền Đông Nam Á đua nhau giảm mạnh

Rupiah Indonesia bắt đáy mới 17 năm, ringgit Malaysia xuống thấp nhất trong 16 năm, trở thành các đồng tiền Châu Á mất giá nhiều nhất trong năm nay.

Điều gì đang xảy ra với các đồng tiền Đông Nam Á này?

Trong phiên giao dịch ngày 23/7, đồng Rupiah có lúc giảm 0,2% xuống còn 13.395 Rupiah đổi 1 USD, trước khi giao dịch tại mức 13.385 Rupiah/USD. Đồng tiền này đóng cửa phiên trước tại mức 13.375 Rupiah đổi 1 USD.

Đây là mức yếu nhất của đồng nội tệ Indonesia kể từ tháng 8/1998.

Đồng tiền của Indonesia giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong 17 năm so với đồng USD khi đồng bạc xanh của Mỹ tăng giá trở lại.

Tuy nhiên, sức giảm của đồng Rupiah hạn chế do có đồn đoán Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) có thể sẽ can thiệp để bảo vệ đồng tiền này. Phó thống đốc BI, ông Mirza Adityaswara, hôm 22/7 cho biết ngân hàng trung ương này luôn theo dõi thị trường ngoại hối, đặc biệt là khi đồng Rupiah đang bị định giá quá thấp.

Tính từ đầu năm đến nay, đồng Rupiah đã mất giá 7,2% so với đồng USD.

Tuy nhiên, đây không phải là đồng tiền mất giá nhiều nhất ở Châu Á trong năm nay. Giảm giá nhiều nhất thuộc về đồng Ringgit của đất nước láng giềng Malaysia.

Cũng trong ngày 23/7, đồng nội tệ của Malaysia có lúc giảm 0,3% xuống 3,8055 Ringgit đổi 1 USD – phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 6/7.

Như vậy, đồng Ringgit hiện đã giảm tới 8,1% so với đầu năm nay, và trong tháng 7, đồng tiền của Malaysia có lúc đã xuống mức thấp nhất trong 16 năm là 3,8130 USD/USD.

Các đồng tiền này của Đông Nam Á giảm mạnh trong bối cảnh đồng USD đang lên giá do phỏng đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất ngay trong tháng 9 tới. Đồn đoán này càng được củng cố khi số liệu công bố ngày 22/7 của Mỹ cho thấy doanh số bán nhà đã qua sử dụng tại nước này trong tháng 6 tăng lên mức cao nhất trong gần 8 năm rưỡi.

Ngoài ra, các đồng tiền của Malaysia và Indonesia còn giảm do các yếu tố kinh tế nội tại.

Ở Maylaysia, việc giá các loại hàng hóa giảm đang làm xấu đi triển vọng xuất khẩu của nước này. Đồng Ringgit đã và đang chịu áp lực trong suốt 12 tháng qua do giá dầu thô và dầu cọ giảm trong khi đây là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Malaysia.

Lo ngại về tình tình tài chính của một công ty đầu tư vốn nhà nước cũng góp phần khiến đồng nội tệ nước này giảm giá.

Tại Indonesia, đồng Rupiah mất giá khi lạm phát của nước này đã tăng mạnh trên 7%, trong khi nền kinh tế đang trưởng thấp nhất trong vòng 5 năm qua, chỉ đạt 5% năm 2014.

Theo một quan chức BI, thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia có thể đã tăng lên mức 2,3% GDP trong quý II/2015, sau khi ghi nhận mức thâm hụt 1,85% trong quý I.

Nguồn NDH