Các đồng tiền châu Á tiếp tục bị bán tháo
Kinh tế trưởng của Citigroup tại châu Á, Johanna Chua, cho biết: “Chúng tôi cho rằng hầu hết tiền tệ châu Á sẽ còn giảm khi sự hỗ trợ của một số yếu tố chính giúp tăng tỷ giá các đồng tiền này kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu giảm”.
Tiền tệ của các nước châu Á mới nổi tăng kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008 do các nước này có điều kiện tài chính thuận lợi khiến xếp hạng tín dụng tăng trong khi của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu giảm. Tuy nhiên, những điều kiện này đang dần biến mất. Lo ngại về nguy cơ đổ vỡ thanh khoản ở Trung Quốc có xu hướng tăng sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc có phiên đấu thầu trái phiếu thất bại đầu tiên sau nhiều tháng. Ngược lại với tình hình ở châu Á, các nền kinh tế phát triển bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tốt, Mỹ tránh được “bờ vực tài khóa”, Hy Lạp thoát nguy cơ rời eurozone.
Tiền tệ châu Á có thể coi là bị ảnh hưởng nhiều nhất khi dòng tiền nóng bắt đầu rút khỏi khu vực này. Những đồng tiền bị ảnh hưởng mạnh nhất có rupiah của Indonesia, đô la Úc, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại ANZ, Richard Yetsenga, nhận định. Đồng rupee của Ấn Độ xuống thấp kỷ lục 58,98 rupee/USD hôm thứ Ba tuần trước và kết thúc tuần với tuần giảm thứ 6 liên tiếp trong khi đô la Úc giảm gần 10% từ mức kỷ lục năm 1,059 đô la Úc/USD. Ngân hàng trung ương Indonesia tuần trước bất ngờ tăng lãi suất để ngăn đà mất giá của rupiah sau khi đồng tiền này xuống thấp nhất 4 năm so với USD.
Yetsenga cho rằng, bất cứ thị trường nào hấp thụ vốn quá mức vào thị trường trái phiếu, và hầu hết là các thị trường châu Á, và các thị trường trở nên đắt đỏ hơn sẽ đối mặt với tình trạng này. Đồng peso của Philippines là một ví dụ điển hình cho thấy nhà đầu tư không còn sẵn sàng nắm giữ đồng tiền này.
Nguồn CNBC/Dân Việt