Thứ Bảy | 05/10/2013 08:43

Các đồng tiền châu Á đồng loạt tăng

Bế tắc ngân sách có thể khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thận trọng với kế hoạch giảm kích thích. Điều này giúp các đồng tiền châu Á phục hồi.
Trong tuần qua, các đồng tiền châu Á đồng loạt tăng do đồn đoán Fed sẽ hoãn kế hoạch giảm kích thích trong tháng 10. Chỉ số Asia Dollar đo sức mạnh của các đồng tiền châu Á theo khảo sát của Bloomberg và JPMorgan tăng 0,5% trong vòng 5 ngày tính đến ngày hôm qua 4/10.

Dẫn đầu đà tăng là rupee của Ấn Độ với mức tăng 1,7% lên 61,44 rupee/USD sau khi lên cao nhất gần 2 tháng là 61,2637 rupee/USD. Ringgit của Malaysia tăng 1,4% lên 3,1827 ringgit/USD, peso của Philippines tăng 0,7% lên 43,05 peso/USD. Các đồng tiền khác như won của Hàn Quốc, rupiah của Indonesia, baht của Thái Lan tăng nhẹ trong khoảng từ 0,1% đến 0,3%. Việt Nam đồng gần như không thay đổi.

Các đồng tiền châu Á được hưởng lợi trong bối cảnh USD yếu đi do bế tắc ngân sách tại Quốc hội Mỹ khiến chính phủ nước này tiếp tục đóng cửa ngày thứ 4 và chưa có dấu hiệu sớm hoạt động trở lại trong khi Mỹ tiến gần hơn tới chạm trần nợ công 16,7 nghìn tỷ USD vào ngày 17/10 tới.

Trong bối cảnh này, theo bình luận của các quan chức Fed, họ sẽ phải thận trọng hơn khi cân nhắc giảm kích thích từ tháng này bởi lo ngại bế tắc ngân sách sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi của nền kinh tế. Dự kiến Fed sẽ nhóm họp vào ngày 30-31/10 tới sau khi đưa ra quyết định bất ngờ giữ nguyên quy mô kích thích mua 85 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng.

Rupee của Ấn Độ phục hồi còn nhờ tình hình thâm hụt thương mại được cải thiện. Morgan Stanley dự đoán, thâm hụt tài khoản vãng lai của Ấn Độ sẽ giảm còn 59 tỷ USD trong năm tài khóa tính đến tháng 3/2014, thấp hơn nhiều so với 87,7 tỷ USD năm tài khóa trước. Trong khi đó peso của Philippines tăng sau khi nước này được Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm lên mức khuyến khích đầu tư.

Nguồn Bloomberg/Dân Việt


Sự kiện