Các cường quốc chạy đua giành ảnh hưởng tại châu Phi
Ngày 4/1, trang mg.co.za đăng bài phân tích của Tiến sĩ Alex Vines - Giám đốc chương trình châu Phi tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh (Chatham House), giảng viên cao cấp tại Đại học Coventry - về sự cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa các cường quốc tại châu Phi với nhiều diễn biến đáng quan tâm năm 2019.
Năm 2018, Anh, Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các chiến lược mới đối với châu Phi, trong khi Trung Quốc, Đức và Ấn Độ đã điều chỉnh chiến lược của các nước này đối với "Lục địa Đen".
Năm 2018, việc Nga tái can dự sâu vào châu Phi là một diễn biến quan trọng, dẫn đến Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi đầu tiên sẽ được tổ chức vào năm 2019. Trong nhiều năm gần đây, Nga đã âm thầm tái đầu tư vào các đối tác thời Liên Xô cũ và củng cố các liên minh mới bằng cách cung cấp các dịch vụ an ninh, huấn luyện vũ trang và hỗ trợ bầu cử để đổi lấy quyền khai khoáng và các cơ hội khác.
Chỉ đến khi người Nga xuất hiện tại Cộng hòa Trung Phi năm 2018 với thỏa thuận bán vũ khí và đội quân đánh thuê, thế giới chợt nhận ra rằng nước Nga đang triển khai chiến lược châu Phi mới. Sự tái can dự của Nga cũng phát đi tín hiệu rằng trong tương lai, sự cạnh tranh địa chính trị và sự thử nghiệm quốc tế tại châu Phi sẽ diễn ra quyết liệt hơn.
Năm 2019 cũng sẽ chứng kiến sự kết nối rộng hơn giữa các khu vực của châu Phi với các đối tác thuộc châu lục khác. Năm 2019, vùng Sừng châu Phi và Đông Phi sẽ hướng tới châu Á và Trung Đông do các khoản đầu tư, bối cảnh chính trị và quyền lực mềm.
Tháng 3/2018, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua đề xuất mở mới 18 cơ quan ngoại giao của nước này ở châu Phi. Ấn Độ đang triển khai mở các đại sứ quán tại Burkina Faso, Cameroon, Cape Verde, CH Chad, CHDC Congo, Djibouti, Guinea Xích đạo, Eritrea, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mauritania, Rwanda, São Tomé và Príncipe, Sierra Leone, Somalia, Swaziland và Togo.
Năm 2019, Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 7 (TICAD) sẽ được tổ chức tại Yokohama, Nhật Bản. Tokyo tiếp tục tăng cường can dự thương mại, phát triển, chính trị ở châu Phi và Nhật Bản đã và đang nỗ lực hợp tác với Ấn Độ thông qua sáng kiến Hành lang tăng trưởng Á - Phi để cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc.
Trung Quốc đang triển khai trọng tâm chính sách - Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) ở châu Á và Đông Bắc châu Phi. Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) lần thứ 3 được tổ chức tại Bắc Kinh tháng 9/2018 với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ châu Phi hơn so với số lượng các đại biểu này tham dự cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York.
Báo cáo mới nhất về đầu tư thế giới tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển cho thấy đang diễn ra sự thay đổi đáng kể luồng tài chính ở châu Phi. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc tại châu Phi đã tăng từ 16 tỉ USD năm 2011 lên 40 tỉ USD năm 2016, đứng thứ 4 sau Mỹ (57 tỉ USD), Anh (55 tỉ USD) và Pháp (49 tỉ USD).
Năm 2018, Vương quốc Anh đã thông qua chiến lược mới về châu Phi, trong đó có khoản ngân sách bổ sung 30 triệu bảng cho việc mở mới hoặc mở cửa trở lại các đại sứ quán Anh ở CH Chad, Djibouti, Swaziland, Lesotho và Nigeria. Tháng 8/2018, lần đầu tiên kể từ năm 2013, một thủ tướng Anh công du tới châu Phi. Các kế hoạch của London cho thấy Anh sẽ tổ chức hội nghị đầu tư châu Phi năm 2019 và tham vọng trở thành nhà đầu tư G7 hàng đầu ở "Lục địa Đen".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron |
Thông qua 9 chuyến thăm tới 11 nước châu Phi, Tổng thống Emmanuel Macron cho thấy châu Phi đã và đang nổi lên như một "mắt xích" quan trọng trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của Pháp.
Năm 2018, Đức tiếp tục cam kết gắn bó với châu Phi thông qua việc điều chỉnh “Kế hoạch Marshall cho Châu Phi” ban đầu thành một sáng kiến mang tính hợp tác hơn nhằm khuyến khích sản xuất và đa dạng hóa các nền kinh tế châu lục. Dù vậy, trong thực tế, thương mại của Anh, Pháp và Đức với châu Phi tiếp tục giảm trong năm 2018.