Các công ty Trung Quốc và cục nợ 590 tỷ USD
Giờ đây, bình quân một công ty Trung Quốc phải mất đến 83 ngày để thu được khoản tiền hàng đã bán ra, lâu gấp đôi so với các công ty tại thị trường mới nổi khác. Khi các khoản thanh toán của các ngành từ công nghệ đến tiêu dùng bị trì hoãn, khoản tiền phải thu tại các công ty đại chúng của Trung Quốc đã tăng 23% trong 2 năm qua len 590 tỷ USD, cao hơn cả GDP hàng năm của Đài Loan.
Núi hóa đơn chưa được thanh toán - lớn nhất từ trước đến nay kể từ khi cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ đóng cửa hàng nghìn công ty nhà nước - cho thấy tình trạng thiếu hụt tiền mặt tại các doanh nghiệp yếu kém nhất không chỉ đe dọa các ngân hàng và những người nắm giữ trái phiếu mà cả mạng lưới chuỗi cung ứng khổng lồ của Trung Quốc. Với tỷ lệ doanh nghiệp phá sản dự đoán tăng 20% trong năm nay, ngày càng nhiều công ty của Trung Quốc có thể phải lựa chọn một trong 2 lựa chọn không mấy dễ chịu: tiếp tục bán chịu cho các khách hàng có nguy cơ mất khả năng thanh toán hoặc thu hẹp và chứng kiến doanh số bán sụt giảm.
Có thể dễ dàng nhận thấy lý do tại sao việc thu hồi nợ tại Trung Quốc ngày càng khó khăn. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng đang "kiệt sức" trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990 trong khi tình trạng dư thừa công suất đã khiến chỉ số giá sản xuất liên tục giảm. Các khoản phải thu cao kỷ lục khiến nhiều công ty không thể thanh toán nợ đúng hạn với tỷ lệ mất khả năng thanh toán trong năm 2015 tăng 25%, theo hãng bảo hiểm tín dụng thương mại lớn nhất thế giới Euler Hermes.
Tình cảnh khó khăn ngày càng rõ nét trong báo cáo tài chính của các công ty Trung Quốc. Theo số liệu của Bloomberg, thời gian bình quân thu hồi nợ đã tăng từ mức 55 ngày trong năm 2010 lên 79 ngày trong năm 2014, cao hơn so với bất kỳ quốc gia nào trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngoại trừ Italia và cao gấp 2 lần so với mức 44 ngày của các công ty trong chỉ số MSCI Emerging Markets Index.
Ngành công nghiệp có thời gian thu hồi tiền hàng dài nhất, lên đến 131 ngày, tiếp đến là các công ty công nghệ, 120 ngày, và công ty viễn thông 118 ngày.
Amy Sunderland, nhà quản lý tiền tệ tại Grandeur Peak Global Advisors (Mỹ) cho rằng, thời gian hơn 100 ngày là mức báo động đỏ. Trong danh mục đầu tư của mình, bà Sunderland tránh các công ty hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường.
Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy doanh thu và lợi nhuận của các công ty Trung Quốc có thể thấp hơn so với con số trong báo cáo.
China First Heavy Industries, một công ty sản xuất thiết bị công nghiệp, trụ sở tại Hắc Long Giang, dự báo sẽ lỗ ròng 1,75 tỷ nhân dân tệ (270 triệu USD) trong năm 2015. Công ty này phải mất tới 1.260 ngày để thu hồi tiền hàng trong 12 tháng kết thúc vào tháng 9/2015, tăng so với 490 ngày một năm trước đó.
Bán chịu cho khách hàng trong một khoảng thời gian là thông lệ thương mại phổ biến ở nhiều lĩnh vực trên toàn thế giới và cũng dễ hiểu đối với các công ty Trung Quốc khi họ chờ tăng trưởng kinh tế hồi phục. Bloomberg ước tính GDP của Trung Quốc trong tháng 2/2016 tăng 6,8% so với 6,3% trong tháng 1/2016 - dấu hiệu cho thấy nới lỏng tiền tệ đang phát huy tác dụng.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg