Các công ty lớn của Mỹ tăng tích trữ tiền mặt, không đầu tư
Nhưng vào thời điểm này, thế giới đang ở trạng thái "không bình thường". Thậm chí, sau 5 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính đầu tiên nổ ra, thị trường vốn vẫn ì ạch, còn kinh tế phương Tây cũng chẳng khá hơn là bao. Do đó, nếu các nhà hoạch định chính sách Washington muốn hiểu vì sao thị trường trái phiếu Mỹ lại hành xử một cách kỳ lạ như vậy, họ nên xem xét kỹ hơn câu chuyện tích tiền không chịu đầu tư của các doanh nghiệp.
Vấn đề đặt ra là các công ty đang làm gì với tiền mặt của họ. Theo khảo sát của hãng AFP, trước năm 2007, hầu hết các doanh nghiệp duy trì lượng tiền nhàn rỗi của mình ở mức khiêm tốn, và số tiền mặt này sẽ được bơm vào thị trường vốn và ngân hàng để kiếm lợi nhuận hợp lý. Nhưng vào thời gian này, các công ty đang tự nhồi nhét mình với hàng núi tiền mặt không sử dụng. 41% các công ty cho biết lượng tiền dự trữ đã tăng lên trong năm qua, và hầu hết đều hy vọng sẽ dự trữ được thêm tiền mặt trong thời gian tới.
Một phần nguyên nhân của tình trạng trên là nhiều công ty Mỹ vẫn đang có lợi nhuận. Nhưng một phần khác là do các công ty này cố tình nắm giữ tiền thay vì chi tiêu vào đầu tư tăng năng suất hoặc chia sẻ với các cổ đông, đơn giản là vì họ lo lắng về tương lai sắp tới. Trong thời khủng hoảng, tiền mặt trở thành một tấm chắn bảo vệ của các công ty, giúp các giám đốc điều hành có một chỗ nương tựa tinh thần giữa lúc thị trường rối ren.
Xét ở một vài khía cạnh, hành động trên của các công ty là không sai, song nó lại ít được đánh giá cao khi các công ty từ chối sử dụng tiền dư thừa để đầu tư vào các dự án hữu hình - đơn giản vì họ cũng đang sợ hãi trước thị trường vốn.
Theo AFP, trong năm 2006, các doanh nghiệp chỉ tích trữ khoảng 23% tiền mặt của mình tại các ngân hàng. Tuy nhiên, đến năm ngoái, con số này đã tăng gấp đôi, và trong năm nay, lượng tiền tích trữ của các doanh nghiệp tại ngân hàng đã vượt quá 50%.
Sự gia tăng đột biến này một phần là do các công ty ngại sử dụng các sản phẩm của thị trường vốn, bởi lẽ họ cho rằng lợi nhuận thu được là quá thấp để cân bằng các rủi ro khác. Thật vậy, thậm chí ngay cả khi các doanh nghiệp tích tiền chủ động đầu tư vào thị trường vốn, họ cũng thực hiện nó một cách rất hời hợt.
Thay vì mua các công cụ dài hạn, họ lại chủ động mua nhiều nợ siêu ngắn hạn, và hầu hết các doanh nghiệp tích tiền đều hy vọng giảm thời gian nợ càng nhiều càng tốt. Kết quả là, các khoản nợ dài hạn không được để tâm đến, khiến tình hình kinh tế thế giới càng bất ổn và các doanh nghiệp tích tiền lại càng không dám đặt cược vào các khoản nợ dài hạn.
Một nguyên nhân khác nữa của tình trạng ngại đầu tư là do hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng tiền gửi tại ngân hàng là tương đối an toàn. Do đó, điểm đến ưa thích của các công ty tích tiền là các tài khoản không sinh lãi. Dù những khoản tiền gửi này không sinh lãi, song ít nhất các doanh nghiệp có thể an tâm rằng họ sẽ được nhận lại đầy đủ số tiền đã gửi. Do đó, không khó hiểu vì sao 98% doanh nghiệp trả lời AFP rằng ưu tiên hàng đầu của họ là bảo vệ tiền, chứ không phải là kiếm lợi suất.
Tuy nhiên, nếu các ngân hàng trung ương thế giới tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và hạ thấp lãi suất đối với các khoản nợ an toàn, các doanh nghiệp tích tiền có thể quay trở lại với thị trường vốn, bởi lịch sử đã chứng minh lòng tham có thể chiến thắng nỗi sợ hãi.
Nhưng vẫn có một kịch bản bi quan hơn. Theo AFP, sau những tác động liên tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính, các giám đốc điều hành của các doanh nghiệp có thể trở nên quá cực đoan và chỉ khư khư giữ tiền mặt của công ty mình. Nếu điều đó xảy ra, sẽ phải mất nhiều năm trước khi những doanh nghiệp này có đủ sự tự tin để tiếp tục đặt cược vào các khoản nợ dài hạn.
Nguồn CNBC/DVT