Thứ Ba | 10/04/2012 18:35

Các công ty lớn của Mỹ mạnh hơn sau khủng hoảng

The Wallstreet Journal cho biết nhìn chung các công ty trong danh sách S&P500 đã hoạt động hiệu quả và năng suất hơn.
Báo cáo tài chính 2011 của các công ty thuộc S&P 500 cho thấy trước khi khủng hoảng xảy ra, doanh thu, lợi nhuận, năng suất và tiền mặt đều tốt hơn trong khi nợ giảm  so với 2007.

Lợi nhuận của các công ty này đã tăng 15% trong năm 2011 và dự kiến tiếp tục tăng 9% trong năm nay. Doanh thu trung bình trên mỗi lao động trong danh sách trả lương của các công ty cũng tăng mạnh từ mức 378.000 USD năm 2007 lên mức 420.000 USD trong năm 2011.

Điển hình, công ty Công nghệ Agilent, chuyên sản xuất các thiết bị khoa học, đã phải sa thải 4.000 lao động, tương đương 20% công nhân, trong năm 2009 do doanh thu giảm 22% và thua lỗ.

Đến năm 2011, doanh thu của công ty đã cao hơn 22% so với năm 2007 và lượng tiền mặt tính đến ngày 31/10/2011 là 3,5 tỷ USD, lớn gấp hai lần so với năm 2007, dù số lao động của công ty vẫn thấp hơn so với năm 2007.

Phân tích của Nhật báo Phố Wall cũng cho thấy chi tiêu đầu tư vốn cho nhà máy và thiết bị mới cũng phục hồi.

Trong năm 2011, trung bình chi tiêu vốn của các công ty trong danh sách S&P 500 tăng 19%, gấp hơn hai lần so với mức tăng 9% của năm 2010. Ví dụ, năm 2011, công ty Agilent đã chi 188 triệu USD đầu tư vốn, tăng 50% so với mức 121 triệu USD trong năm trước đó.

Theo Nhật báo Phố Wall, việc cắt giảm mạnh chi phí trong thời kỳ suy thoái cộng thêm những thận trọng trong thời gian phục hồi đã giúp điều kiện tài chính của các công ty vững chắc hơn.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh tốt này không chuyển thành những cải thiện đáng kể trên thị trường lao động Mỹ bởi đa số phần doanh thu tăng lên, lao động thuê thêm cũng như tiền mặt của các doanh nghiệp này là ở các chi nhánh ở nước ngoài.

Tờ báo cho hay phần lớn trong tổng số 1,1 triệu lao động do các công ty lớn của Mỹ tuyển dụng thêm kể từ năm 2007 đến nay và khoản doanh thu 1.200 tỷ USD tiền mặt của các công ty này đều là ở nước ngoài.

Ví dụ, 2/3 trong số 82 tỷ USD tiền mặt và chứng khoán có thể chuyển đổi thành tiền mặt của Apple tính đến ngày 30/9/2011 là ở nước ngoài.

Tương tự, từ năm 2009 đến cuối năm 2011, doanh thu của McDonald ở nước ngoài tăng 24%, gấp 3 lần so với mức tăng doanh thu của công ty này tại Mỹ. Trong khi đó doanh thu ở nước ngoài của Starbucks trong 2 năm qua tăng 35%, cao hơn gấp hai lần so với mức 14% tại Mỹ./.

Nguồn http://cafef.vn


Sự kiện