Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (phải) và Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AP.
Các CEO Phố Wall kêu gọi Washington ngăn chặn cuộc vỡ nợ
Hơn 140 nhà lãnh đạo của các công ty lớn nhất nước Mỹ, bao gồm Goldman Sachs, Pfizer và KKR, đã thúc giục Nhà Trắng và các nhà lãnh đạo quốc hội đạt được thỏa thuận nâng trần nợ và tránh một kịch bản tàn khốc có thể xảy ra.
Trong một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa, Dân chủ từ cả Hạ viện và Thượng viện hôm 16/5, các Giám đốc Điều hành của nhiều doanh nghiệp và công ty đầu tư hàng đầu đã cảnh báo việc không nâng trần nợ có thể gây ra hậu quả thảm khốc cho nền kinh tế Mỹ.
“Chúng tôi viết thư để nhấn mạnh những hậu quả tai hại có thể xảy ra nếu chính phủ liên bang không nhanh chóng thực thi các nghĩa vụ. Nếu không có nghị quyết, chính phủ có thể sẽ cạn tiền ngay sau ngày 1/6. Chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ là điều cấp bách nhất hiện tại”, những người ký tên viết.
Bức thư được thực hiện bởi Tổ chức Partnership for New York City, một nhóm do ông Albert Bourla, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Pfizer, và ông Rob Speyer, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Bất động sản Tishman Speyer, đồng chủ trì. Bức thư này được ký bởi các Giám đốc Điều hành đại diện cho nhiều công ty Mỹ, bao gồm hãng hàng không JetBlue, nhà bán lẻ kính Warby Parker cho đến Tập đoàn Truyền thông Condé Nast.
Bức thư được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Biden chuẩn bị gặp 4 thành viên hàng đầu của quốc hội để cố gắng đạt được bước tiến mới trong thỏa thuận nâng trần nợ và tránh vỡ nợ.
Quốc hội chịu trách nhiệm cho việc dỡ bỏ giới hạn vay của chính phủ liên bang, nhưng đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ vẫn bất đồng về con đường phía trước. Đảng Cộng hòa chỉ đồng ý nâng trần nợ công 31.400 tỉ USD nếu kết hợp với việc cắt giảm mạnh chi tiêu, trong khi đảng Dân chủ muốn nâng giới hạn vay vô điều kiện.
Nhà Trắng đã bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức với các nhà lãnh đạo quốc hội vào tuần trước trong nỗ lực đạt được thỏa thuận trước khi Bộ Tài chính cạn tiền và không thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ của mình. Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính, nói rằng ngày vỡ nợ có thể đến ngay sau ngày 1/6.
Phát biểu tại một sự kiện của ngành ngân hàng vào đầu ngày 16/5, bà Yellen cho biết cuộc tranh luận về trần nợ sẽ có những tác động đáng kể đối với các doanh nghiệp Mỹ, cũng như nền kinh tế trong nước và toàn cầu.
Bà nói: “Theo đánh giá của tôi và của các nhà kinh tế học, một vụ vỡ nợ của Mỹ sẽ tạo ra thảm họa kinh tế và tài chính".
Một số nguồn tin mật cho biết vào cuối tuần rồi một thỏa thuận lưỡng đảng bắt đầu hình thành, tập trung vào giới hạn chi tiêu liên bang trong vài năm tới. Bên cạnh đó, cũng có thể có một vài thỏa thuận liên quan đến cải cách quy trình cấp phép cho các dự án lớn và các yêu cầu mới trong công việc đối với những người nhận phúc lợi xã hội.
Có thể bạn quan tâm:
"Cơn sốt thịt nướng" có thể vực dậy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới?
Nguồn FT