Hệ số Engel tăng nhanh ở Nhật Bản được cho là do tỉ lệ dân số già cao và mức tăng trưởng tiền lương thấp. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Lam Ngọc Thứ Hai | 09/12/2024 11:55

Các bữa ăn tạo “áp lực” cho túi tiền của người dân Nhật Bản

Hệ số Engel của Nhật Bản tăng cao phản ánh lạm phát thực phẩm, dân số già và áp lực chi tiêu của các hộ gia đình.

Các hộ gia đình Nhật Bản đang dành ngày càng nhiều thu nhập cho thực phẩm khi giá cả tiếp tục leo thang, đẩy hệ số Engel, chỉ số đo lường tỉ lệ chi tiêu cho thực phẩm, của nước này lên mức cao nhất trong các nền kinh tế G7. Hệ số Engel thường được sử dụng để đánh giá mức sống của một quốc gia. Chỉ số này càng cao thường cho thấy mức độ kinh tế kém khả quan hơn.

Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cùng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hệ số Engel của Nhật Bản đạt 26% vào năm 2022, vượt qua Mỹ, Anh, Đức và Pháp. Đến quý III năm nay, con số này tăng lên 28,7%, phản ánh gánh nặng chi tiêu ngày càng lớn của các hộ gia đình.

Hệ số Engel tăng nhanh ở Nhật Bản được cho là do tỉ lệ dân số già cao, nhóm thường chi một phần lớn thu nhập cho thực phẩm, và mức tăng trưởng tiền lương thấp. Ngoài ra, nhu cầu ngày càng lớn đối với các bữa ăn chế biến sẵn cũng góp phần đẩy chi tiêu thực phẩm lên cao, đặc biệt trong các gia đình mà cả hai vợ chồng đều làm việc toàn thời gian.

Một phụ nữ ngoài 40 tuổi tại Tokyo chia sẻ: “Mỗi lần đến quầy thanh toán ở siêu thị, tôi đều lo lắng. Giá thực phẩm dường như đã tăng gấp đôi trong vài năm qua”. Bà cho biết thực phẩm hiện chiếm hơn 30% chi tiêu thường xuyên của gia đình, đặc biệt sau đợt tăng giá gạo gần đây.

Dù vậy, hệ số Engel không phải công cụ đơn giản để so sánh chuẩn mực sống giữa các quốc gia. Tại Mỹ, chỉ số này dưới 20%, do các khoản chi phí y tế và xã hội cao khiến tỉ lệ chi tiêu cho thực phẩm tương đối thấp. Thêm vào đó, thói quen ăn uống như tiêu thụ nhiều đồ ăn nhanh ở một số quốc gia cũng tác động lớn đến hệ số này.

"Hệ số Engel bị ảnh hưởng bởi văn hóa ẩm thực đặc trưng của mỗi quốc gia. Không thể xem Nhật Bản nghèo chỉ vì có hệ số Engel cao nhất, nhưng tốc độ tăng nhanh của chỉ số này là một dấu hiệu đáng lo ngại", ông Hiroyuki Ueno, Chiến lược gia trưởng tại Sumitomo Mitsui Trust Asset Management, nhận định.

Nguyên nhân chủ yếu khiến hệ số Engel tại Nhật Bản tăng nhanh hơn so với các quốc gia khác là tỉ lệ già hóa dân số cao và tốc độ tăng trưởng thu nhập chậm. Theo OECD, thu nhập khả dụng tại Nhật Bản tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển khác, trong khi tỉ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 29,3% tính đến tháng 9.

Lạm phát là một yếu tố quan trọng khác. Giá thực phẩm phổ biến tại Nhật Bản đã tăng mạnh: thịt gà tăng 12% so với 5 năm trước, cá mòi tăng 20%, còn cá thu tăng vọt 90%. Xu hướng tăng giá này tiếp tục kéo dài trong nửa đầu năm 2024, tạo áp lực lớn lên túi tiền của người dân.

Ngoài ra, tỉ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động tăng lên cũng là một yếu tố thúc đẩy chi tiêu thực phẩm. “Việc nhiều phụ nữ đi làm khiến các hộ gia đình, đặc biệt ở nhóm tuổi 25-34, gặp khó khăn trong cân bằng giữa công việc và gia đình”, ông Daisuke Yasaku, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Daiwa, cho biết.

"Việc nhiều phụ nữ đi làm khiến các hộ gia đình, đặc biệt ở nhóm tuổi 25-34, gặp khó khăn trong cân bằng giữa công việc và gia đình", ông Daisuke Yasaku, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Daiwa, cho biết.

Điều này dẫn đến xu hướng phụ thuộc vào các bữa ăn chế biến sẵn, loại thực phẩm có giá thành cao hơn. Theo khảo sát của Bộ Nội vụ Nhật Bản, chi tiêu cho bữa ăn chế biến sẵn chiếm 15,8% tổng chi tiêu thực phẩm trong năm 2023, tăng 3 điểm phần trăm so với một thập kỷ trước.

Theo ông Masato Koike, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Sompo Institute Plus, việc hệ số Engel tăng là dấu hiệu suy giảm mức sống, buộc các doanh nghiệp và chính phủ Nhật phải đẩy mạnh cải thiện năng suất lao động và tăng lương thực tế.

"Nếu người lao động được trả lương cao hơn với thời gian làm việc ngắn hơn, họ sẽ có thêm thời gian tự nấu ăn, thay vì phụ thuộc vào thực phẩm chế biến sẵn. Điều này có thể giúp giảm hệ số Engel", ông Yasaku cho biết. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng trước tiên cần tập trung vào các biện pháp thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả lao động để cải thiện mức sống của người dân Nhật Bản.

Có thể bạn quan tâm:

Khách hàng rời bỏ hàng xa xỉ

Nguồn Nikkei Asia