Burberry gặp hạn trên toàn cầu
Ngành hàng xa xỉ đang trong thời kỳ khó khăn. Cuối năm ngoái, Prada cho biết lãi ròng 9 tháng giảm buộc Công ty phải hoãn, thậm chí hủy bỏ việc ra mắt 80 cửa hàng trong năm 2015. Gần đây, tập đoàn hàng xa xỉ Pháp LVMH cho biết doanh số bán quý I chỉ tăng 4%, thấp hơn dự báo của giới phân tích do kinh doanh ảm đạm ở Pháp sau các đợt tấn công khủng bố tại Paris.
Burberry là thương hiệu hàng xa xỉ mới nhất công bố doanh số bán 6 tháng cuối năm đầy thất vọng, đồng thời khuyến cáo lợi nhuận sẽ không như dự báo trong năm tài chính hiện tại. Điều đó đã khiến giá cổ phiếu giảm mạnh, càng gây sức ép lên CEO Christopher Bailey nhằm vực dậy nhãn hàng xa xỉ Anh này.
Burberry cho biết doanh số bán (không tính các cửa hàng bị đóng và các cửa hàng mới mở) giảm 2%, thấp hơn ước tính của giới phân tích. Nguyên do là doanh số bán giảm 5% trong quý IV tài chính kết thúc vào ngày 31.3.2016 trong bối cảnh kinh doanh ì ạch ở Hồng Kông, Mỹ, châu Âu và Vương quốc Anh. “Doanh số bán dường như chịu áp lực ở mọi khu vực”, chuyên gia phân tích ngành bán lẻ Tom Gadsby của Liberum nhận xét.
Bailey đã lèo lái Burberry từ tháng 5.2014, một thời gian ngắn trước khi biến động tiền tệ và việc chính phủ mạnh tay trừ nạn tham nhũng đã làm giảm doanh số bán ở Trung Quốc - thị trường đem lại biên lợi nhuận cao cho Burberry. Trung Quốc đại lục đang có dấu hiệu hồi phục nhưng doanh số bán ở Hồng Kông vẫn ảm đạm do chính sách visa siết chặt hơn đối với người dân sống ở thành phố Thâm Quyến gần đó, vốn là khách thường xuyên ghé sang Hồng Kông mua sắm.
Bailey đã phải đàm phán lại giá thuê mặt bằng và giảm diện tích cửa hàng tại Hồng Kông, cùng với việc thay đổi cách làm marketing và phân loại sản phẩm để thu hút khách mua sắm địa phương hơn. Thế nhưng, doanh số bán tại Hồng Kông đã giảm tới hơn 20% trong quý IV.
Không chỉ tại châu Á, không khí ảm đạm cũng bao trùm nhiều thị trường khác, cho thấy Bailey đang phải đấu tranh cùng lúc trên nhiều mặt trận. Cũng giống như LVMH, các cuộc tấn công khủng bố tại châu Âu đã giáng đòn mạnh lên Burberry. Doanh số bán (không tính các cửa hàng bị đóng và mới mở) tại châu Âu và Vương quốc Anh đã sa sút trong quý IV khi khách du lịch đến khu vực này giảm trong những tháng gần đây.
Mỹ lại là chiến trường cam go của Burberry. Công ty đã thực hiện chiến lược dài hơi nhằm đánh bóng thương hiệu tại thị trường xa xỉ lớn nhất thế giới này, nhưng vẫn chưa đi đến đâu. Doanh số bán yếu ớt tại Mỹ là lý do Burberry phải đưa ra dự báo doanh thu bán buôn sẽ giảm 10% trong 6 tháng đầu kết thúc vào tháng 9.2016. Công ty khuyến cáo lợi nhuận trước thuế đã điều chỉnh sẽ nằm ở mức đáy trong khung dự báo hiện tại của giới phân tích.
Dẫu vậy, vẫn có một số điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của Burberry. Tại Nhật, doanh thu bán lẻ đã tăng hơn gấp đôi trong năm tài chính 2016. Doanh số bán tại các cửa hàng mở ra 1 năm trở lên vẫn tiếp tục tăng ở Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc.
Hiện sự kiện Burberry công bố báo cáo lợi nhuận cả năm vào tháng 5 tới đang rất được trông chờ, vì Bailey đã nói ông sẽ cập nhật cho nhà đầu tư về kế hoạch cải thiện tính hiệu quả và đẩy tăng doanh thu.
Gadsby, thuộc Liberum, cho rằng trong ngắn hạn, Burberry đối mặt với những rủi ro rất lớn ở các khu vực có sức cầu hàng xa xỉ yếu nhất. Hiện khách hàng Trung Quốc tạo ra tới 38% doanh số bán toàn cầu của Burberry, cao hơn mức trung bình 30% của ngành, trong khi thị trường Mỹ chiếm 27%. Ông khuyến cáo nên bán ra cổ phiếu của Burberry.
Khánh Đoan
Nguồn WSJ / Racket.com