Công nhân Trung Quốc trở lại làm việc sau dịch bệnh. Ảnh: Wire
Buốt nhói vì cú sốc chuỗi cung ứng, Mỹ, Nhật, EU tìm cách lôi kéo doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc
Luận điểm được củng cố
Chỉ trong vòng 2 tuần, những nhân vật đầy quyền lực từ 3 trong số 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã công khai thông báo hoặc bàn về kế hoạch giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Giờ thì những luận điểm đó lại càng được củng cố sau khi COVID-19 phơi bày lỗ hổng của việc tập trung sản xuất tại Trung Quốc. Vào ngày thứ Ba (21.4), Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu (EU), Phil Hogan cho biết EU đang muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào thương mại sau đại dịch COVID-19, tờ Politico ghi nhận.
Và trong tuần trước, Nhật Bản cho biết sẽ hỗ trợ 2,2 tỉ USD để kéo các nhà sản xuất Nhật Bản về quê nhà hoặc chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á (miễn là họ rời Trung Quốc) sau cú sốc chuỗi cung ứng vì COVID-19.
Chưa hết, Giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, Larry Kudlow, cho biết Washington có thể trả phí chuyển dịch công ty từ Trung Quốc về Mỹ. Tuy vậy, Mỹ chưa có chương trình chính thức dành cho việc hồi hương các doanh nghiệp tại Trung Quốc.
Thậm chí, các công ty từ Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đã và đang chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, vì chi phí ngày càng tăng tại Trung Quốc và còn tránh tác động của cuộc thương chiến Mỹ-Trung.
Thế nhưng, quá trình này đang được đẩy nhanh, trong đó đại dịch COVID-19 cho thấy sự dại dột của chiến lược “bỏ tất cả trứng vào một rổ”. Các quốc gia đang quá phụ thuộc vào hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, nhất là các sản phẩm y tế quan trọng.
Michael Alkire, Chủ tịch của Công ty cung ứng nguồn lực y tế Premier, đã xác định 22 món đồ bảo hộ và 30 loại thuốc có khả năng trở nên rất thiết yếu đến nỗi chúng cần phải được sản xuất tại Mỹ, thậm chí khi đại dịch COVID-19 tiếp tục lan tỏa nỗi ám ảnh khắp các thành phố Mỹ. Nhiều sản phẩm y tế đang được sản xuất tại Trung Quốc, và còn nhiều lĩnh vực sản xuất khác nữa. “Những gì chúng tôi đang chứng kiến tại New York có thể lan rộng. Rồi một số công ty sẽ nghiêm túc chuyển chuỗi cung ứng sau đại dịch COVID-19”.
Scott Paul, Chủ tịch của Liên minh Sản xuất Mỹ, cho biết: “Bao nhiêu công ty trở lại Mỹ vẫn còn là một câu hỏi mở. Nhưng tôi nghĩ khả năng xu hướng chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đã tăng cao hơn”.
Đối với Trung Quốc, đây là một vấn đề đau đầu. Việc Mỹ tỏ ý bực tức với Trung Quốc chẳng có gì mới, nhưng Nhật Bản gần đây cũng tỏ ra không dễ chịu với Trung Quốc. Vì vậy, gói hỗ trợ doanh nghiệp của Nhật Bản “đã khởi đầu cuộc tranh cãi nảy lữa trong thế giới chính trị Trung Quốc”, theo Nikkei Asia Review.
Ông Li Xunlei, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Zhongtai Securities và là một cố vấn cho Chính phủ Trung Quốc, cho biết dù rằng những lời nói trên không mang lại mối đe dọa tức thì cho Trung Quốc, nhưng là một thách thức nghiêm trọng trong dài hạn.
“Sự gián đoạn vì COVID-19 buộc các công ty chuyển sang nhờ cậy các nhà cung ứng ở quê nhà và sự thiếu thốn các thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) cũng khiến nhiều người cảm thấy hối tiếc tình trạng các nhà sản xuất rời bỏ quốc gia phát triển và tìm tới những nơi có lợi về chi phí hơn”.
Rủi ro từ bỏ tất cả trứng vào một rổ
Đại dịch COVID-19 bùng phát lần đầu ở Trung Quốc và đây cũng là quốc gia hứng chịu những đòn kinh tế đầu tiên từ đại dịch. Nhưng cũng có nghĩa là Trung Quốc cũng phục hồi đầu tiên và đã chuyển hàng tỷ chiếc khẩu trang và các sản phẩm bảo hộ cá nhân sang cách quốc gia đang thiếu thốn, dù rằng xuất hiện một số tranh cãi về chất lượng của những thiết bị gửi đi.
70% khẩu trang sử dụng ở Mỹ được sản xuất ở Trung Quốc và một lượng lớn thuốc men cũng vậy.
Sản xuất khẩu trang tại Trung Quốc. Ảnh: NYTimes |
Việc giảm phụ thuộc vào nguồn thuốc men và các sản phẩm khác từ Trung Quốc càng làm trầm trọng thêm nỗi lo về vị thế ngày càng tăng của Trung Quốc về phương diện kinh tế, ngoại giao và quân sự. Hàng loạt dự luật đã được đưa ra trong Quốc hội Mỹ để cố gắng kìm hãm xu hướng này.
Một đề xuất được Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa, Marco Rubio, đưa ra trong tháng trước, trong đó yêu cầu Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Đề xuất này thậm chí nhận được sự ủng hộ từ 3 thượng nghị sĩ Dân chủ. Lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc là chủ đề hiếm hoi có sự đồng lòng lưỡng đảng trong những ngày này.
“Một khi quốc gia gượng dậy từ cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ này, chúng ta phải hành động để giải quyết những lỗ hổng hệ thống và rủi ro về chuỗi cung ứng mà đại dịch COVID-19 đã phơi bày trước mắt chúng ta”, ông Rubio nói. “Không may là đến khi đại dịch toàn cầu xảy ra thì chúng ta mới thấy rõ những hậu quả của việc chuyển cơ sở sản xuất sang các quốc gia như Trung Quốc”.
Hay một dự luật khác – do Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton đưa ra – sẽ cấm trợ cấp liên bang cho các công ty dược phẩm Trung Quốc hoặc nguyên vật liệu Trung Quốc, đồng thời áp quy định nghiêm ngặt về việc gắn nhãn xuất xứ.
Làn sóng bất mãn với Trung Quốc
Xu hướng rút khỏi Trung Quốc có thể được đẩy nhanh khi dân chúng cảm thấy bất mãn với cách xử lý của Trung Quốc trong đại dịch lần này. Trong một cuộc khảo sát của công ty phân tích và tư vấn Gallup, tỷ lệ người dân Mỹ đưa ra quan điểm ủng hộ Trung Quốc đã giảm xuống mức đáy 20 năm với 33%. Kết quả này cũng khá tương tự với cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew trong tuần trước.
Chưa gì đã có nguồn tin cho biết một số nhân viên y tế tại các bệnh viện Mỹ tỏ ra giận dữ khi được giới thiệu về các đồ bảo hộ cá nhân do Trung Quốc sản xuất. Làn sóng anti Trung Quốc như thế này sẽ càng gây áp lực lên các lĩnh vực khác, nhất là hàng tiêu dùng, và thôi thúc các công ty rút khỏi Trung Quốc.
Theo chỉ số 2019 Reshoring Index do công ty tư vấn Mỹ Kearney công bố trước đó trong tháng này, đại dịch đang buộc các công ty nghĩ lại về chuỗi cung ứng, càng làm lộ rõ xu hướng vốn đã xảy ra từ rất lâu, trước cả cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
“Những bài học rút ra từ COVID-19 thật sự rất quan trọng và rất khắc nghiệt”, Kearney cho biết trong báo cáo. “Ít nhất thì chúng tôi kì vọng các công ty sẽ ngày càng phân tán rủi ro chứ không còn bỏ tất cả trứng vào một rổ có chi phí thấp hơn, như nhiều công ty đã làm từ lâu tại Trung Quốc”.
Mexico, Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác khỏa lấp khoảng trống từ Trung Quốc
Thế nhưng, điều này không nhất thiết có nghĩa rằng các công ty đang trở lại Mỹ một cách mạnh mẽ, nghiên cứu này cho biết. Thay vào đó, Mỹ nhận thấy tình trạng nhập nguồn từ Mexico và các quốc gia châu Á khác, nhất là Việt Nam – vốn đang khỏa lấp khoảng trống từ Trung Quốc.
Đối với các chuỗi cung ứng y tế, gần như chắc chắn sẽ có các chương trình Chính phủ để hồi hương các nhà sản xuất sản xuất hàng hóa thiết yếu. Không ai muốn phạm sai lầm lần thứ hai.
Tuy vậy, vẫn có phần lớn công ty chưa nghĩ đến việc chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Mats Harborn, Tổng giám đốc phụ trách khu vực Trung Quốc tại công ty sản xuất xe hạng nặng Scania, cho biết: “Có rất nhiều lời bàn tán về chuỗi cung ứng, về đa dạng hóa, nhưng chẳng có ai nói về việc chuyển công ty trở về quê nhà”.
Trong tháng này, kết quả khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho thấy 70% công ty tham gia khảo sát chưa nghĩ đến việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc vì đại dịch.
Nhiều trong số công ty này được cho là muốn ở lại Trung Quốc để bán hàng cho thị trường 1,4 tỉ dân này, trong khi một số công ty khác nhận thấy rất khó để rút khỏi nơi có cơ sở sản xuất và logistics tầm cỡ thế giới như Trung Quốc. Nhiều công ty đã xây dựng nhà máy ở những nơi khác để xuất khẩu nhưng sẽ duy trì cơ sở tại Trung Quốc để bán hàng cho dân Trung Quốc.
“Chúng tôi biết về chuyện ông Larry Kudlow đề xuất chi trả để các công ty Mỹ trở về quê nhà. Nhưng tôi chẳng thấy ai cần điều đó cả”, Ker Gibbs, Chủ tịch của AmCham Thượng Hải, cho hay. “Việc chuyển một công ty tại Trung Quốc về Mỹ không giống như đóng va li lại và đi. Đó là một quá trình đầy phức tạp cùng với nhiều yếu tố khó nhằn”.
Heiwai Tang, Giảng viên kinh tế tại Đại học Hồng Kông, nhận định các gói hỗ trợ và lời đề xuất trên có thể thu hút các công ty có ít sức ảnh hưởng tại Trung Quốc, nhưng chúng không thể giải quyết vấn đề biến phí, như lao động và đất – vốn rất đắt đỏ ở những nền kinh tế phát triển.
Một giám đốc giấu tên tại một nhà sản xuất thiết bị quang học có trụ sở Tokyo cho biết chi phí ngày càng tăng làm giảm lý do để duy trì cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, nhưng các công ty vẫn chưa thực sự nghiêm túc xem xét tới chương trình chuyển dịch sản xuất.
* Làn sóng chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh
* Doanh nghiệp Mỹ muốn nhanh chóng rời khỏi Trung Quốc
Nguồn SCMP