Một người đàn ông chăm sóc cánh đồng gần một nhà máy điện chạy bằng than ở Đồng Lăng, Trung Quốc, vào năm 2019. Ảnh: Bloomberg.
Bước chuyển mình của quốc gia từng phát thải nhiều nhất thế giới
"Quốc gia nào nên chi nhiều hơn hơn để cứu hành tinh?" là một trong những câu hỏi lớn được đặt ra tại COP 29, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Baku vào tháng 11. Một câu trả lời phổ biến là Trung Quốc, nơi mà phương Tây cáo buộc đóng góp quá ít cho các nỗ lực nhằm giúp các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong gần hai thập kỷ, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là nước phát thải carbon lớn nhất.
Các quan chức Trung Quốc phản bác, lập luận rằng đất nước họ vẫn đang phát triển và chịu trách nhiệm cho lượng khí thải lịch sử ít hơn so với Mỹ và châu Âu. Nhưng phản biện mạnh mẽ nhất của họ là Trung Quốc đã chi nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác cho quá trình chuyển đổi xanh.
Dòng tiền của Trung Quốc hiện hỗ trợ mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng năng lượng sạch. Theo Bloomberg NEF, từ năm 2018-2023, đầu tư toàn cầu vào các nhà máy lọc dầu và nhà máy biến nguyên liệu thô thành tua bin gió, xe điện (EV) và các công nghệ xanh khác đã lên tới 378 tỉ USD. Gần 90% trong số đó đến từ Trung Quốc.
Nhờ những khoản đầu tư này, Trung Quốc sản xuất nhiều thiết bị năng lượng sạch hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Các công ty của họ sản xuất đủ pin lithium-ion (được sử dụng để cung cấp năng lượng cho xe điện) để đáp ứng toàn bộ nhu cầu toàn cầu. Tám trong mười tấm pin mặt trời trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Bằng cách xây dựng nền kinh tế quy mô lớn và cạnh tranh khốc liệt với nhau, các công ty Trung Quốc đã cắt giảm chi phí.
Trung Quốc không chỉ cung cấp các công nghệ này mà còn thúc đẩy nhu cầu về chúng. Hơn một nửa lượng điện của nước này vẫn được tạo ra từ than. Nhưng năm ngoái, các công ty Trung Quốc đã đưa khoảng 300 gigawatt công suất điện gió và điện mặt trời vào lưới điện, gần 2/3 lượng điện được lắp đặt trên toàn cầu. (Để so sánh, tổng công suất điện của Anh là 100 gigawatt.) Vào tháng 6, trang trại điện mặt trời lớn nhất thế giới đã đi vào hoạt động ở miền tây Trung Quốc. Nó bao phủ một diện tích gấp đôi Manhattan. Trung Quốc cũng đang xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Khi nói đến quy mô của các khoản chi tiêu như vậy, Trung Quốc có hai lợi thế lớn so với các quốc gia khác. Nhờ tỷ lệ tiết kiệm cao, nước này từ lâu đã dựa vào đầu tư, thay vì tiêu dùng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và chính phủ của nước này có thể hướng phần lớn khoản đầu tư đó vào các lĩnh vực mà họ ưu tiên. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-09, các quan chức đã đẩy một lượng tiền lớn vào bất động sản, đường bộ và đường sắt. Trong thập kỷ qua, nhà nước ngày càng nhắm mục tiêu vào năng lượng sạch.
Các chính phủ phương Tây chỉ ra những khoản tiền trợ cấp từ chính phủ Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Nhưng thành công về năng lượng sạch của nước này phụ thuộc vào một số yếu tố khác, bà Lauri Myllyvirta thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), nhận định. Trung Quốc từ lâu đã là một cường quốc sản xuất và có rất nhiều kỹ sư tốt nghiệp. Nhu cầu điện của Trung Quốc vẫn đang tăng nhanh, tạo ra một thị trường đáng tin cậy cho công suất phát điện mới.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc gửi công nghệ xanh ra nước ngoài đã gây ra phản ứng dữ dội. Mỹ và Liên minh châu Âu đều áp dụng mức thuế quan cao đối với những thứ như xe điện của Trung Quốc. Trong khi căng thẳng thương mại ngày càng leo thang trước việc Mỹ có Tân Tổng thống, ông Donald Trump.
Trước tất cả những điều này, các chính sách của Trung Quốc đang thay đổi. Khi các ngành công nghiệp năng lượng sạch đã trưởng thành, nhà nước đã giảm hỗ trợ. Biểu thuế nhập khẩu cho năng lượng tái tạo đã được bãi bỏ vào năm 2021, sau khi năng lượng mặt trời và gió trở nên cạnh tranh về chi phí với nhiên liệu hóa thạch. Các chương trình trợ cấp cho việc mua EV đang dần bị thu hẹp.
Tuy nhiên thì Trung Quốc vẫn cần rất nhiều năng lượng và, ngay cả khi không có mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060, thì thực tế là mức giá rẻ của năng lượng tái tạo vẫn sẽ đảm bảo công suất sử dụng nó. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, lo lắng về việc phụ thuộc vào dầu khí nhập khẩu, thích sự đa dạng ngày càng tăng của hỗn hợp năng lượng của họ. Năm ngoái, các khoản đầu tư vào lĩnh vực này chiếm 40% tăng trưởng GDP của Trung Quốc, theo tính toán của CREA.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã gọi năng lượng sạch là một trong những “lực lượng sản xuất mới”, hay công nghệ tiên tiến mà ông muốn đất nước mình thống trị. Điều này có nghĩa là sự thành công của ngành năng lượng sạch hiện gắn liền với chính ông Tập, theo bà Ilaria Mazzocco của CSIS. “Những ngành này đã trở thành ngành công nghiệp ưu tiên, bất kể thời cuộc khó khăn đến đâu.” Nói cách khác: Trung Quốc sẽ tiếp tục giúp thế giới chuyển đổi sang năng lượng sạch dễ dàng hơn nếu thế giới cho phép.
Có thể bạn quan tâm:
Năm 2025: AI sẽ đến bước ngoặt vỡ mộng hay thời khắc bứt phá?
Nguồn The Economist