Ảnh: CNN

 
Trần Tuấn Tài (*) Thứ Bảy | 04/04/2020 08:00

Bùng phát cùng với virus, khủng hoảng nợ đang "lây lan" toàn cầu?

Bóng ma khủng hoảng nợ đang quay trở lại với các khoản “vay không chuẩn”.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 để lại hậu quả kéo dài mãi gần 10 năm sau. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng, trong đó bong bóng cho vay dưới chuẩn đóng góp phần lớn. Nay bóng ma khủng hoảng nợ toàn cầu đang quay trở lại với đại dịch COVID-19.

Thời của “vay không chuẩn” 

Khi không thể mua đứt căn nhà, bạn có thể mua trả góp bằng cách vay ngân hàng. Các dòng tiền trả lãi vay ngân hàng lớn đến nỗi các nhà đầu tư cũng mong muốn phần thu nhập định kỳ đó. Các ngân hàng đầu tư đóng gói các khoản vay mua nhà thành trái phiếu rồi bán trái phiếu cho các quỹ đầu tư. Dòng tiền trả lãi coupon trái phiếu là từ người mua nhà trả lãi vay. Các sản phẩm tài chính được đảm bảo bằng khoản vay mua nhà (mortgage-backed securities) như CDO, CMO gom nhiều khoản thu nhập định kỳ, khoản vay và trái phiếu lại, chia nhỏ ra thành nhiều dòng tiền (tranche) cho các nhà đầu tư. 

Các quỹ đầu tư lại đang cầm rất nhiều tiền từ quỹ hưu trí, chính là tiền dân gửi để được nhận lương hưu. Vòng quay tài sản hoạt động đều đặn như vậy tạo ra giá trị cho tất cả mọi người. Cho đến khi có nhiều hộ được cho vay quá dễ dàng không trả được nợ vay thì chuỗi này bị vỡ và hệ lụy là cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra và sự xuất hiện của những gói cứu trợ khổng lồ.

Đó là câu chuyện cách đây 13 năm. Sau hơn 1 thập niên, lại có một thế hệ lớn lên cần vay mua nhà. Các ngân hàng, công ty tài chính vẫn luôn sẵn lòng cho vay. Và dần dần, sẽ có những khách hàng có điểm tín dụng không tốt lắm vẫn được vay. Khác với thập niên trước, lần này, những khoản vay rủi ro đó được gọi với cái tên khác là “vay không chuẩn”.

Các khoản cho vay này sẵn sàng được giải ngân cho các khách hàng có mức điểm tín dụng chỉ bằng 70% so với các khách hàng đạt chuẩn. Những người có lịch sử tín dụng xấu như thanh toán nợ muộn, vỡ nợ cũng được vay. Những người vay không chuẩn có thể vay đến cả 1,5 triệu USD mua nhà và dùng chính tài sản sắp hình thành để vay tiếp nửa triệu USD nữa. Không dưới 1/5 số hộ vay không chuẩn. Ở thời điểm hiện tại, có những trái phiếu dựa trên khoản vay chứa đến 80% nợ vay không chuẩn. Vào năm 2017, Fannie Mae còn hạ thêm tiêu chuẩn cho vay, tăng số tiền có thể vay so với thu nhập.

Giá trị thị trường vay không chuẩn đã tăng phi mã, như thể thị trường đã quên hết những rủi ro bong bóng mười mấy năm trước. Những quỹ phòng hộ, quỹ bảo hiểm vẫn mua các trái phiếu này. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tính toán dùng công cụ lãi suất tham chiếu để điều hành chính sách. Trong các năm trước 2020, lãi suất hạ dần dần để kích thích thanh khoản. 

Mối đe dọa từ COVID-19 

Các nghiên cứu khoa học đã cảnh báo từ các năm 2007, 2015, 2019 là tồn tại nguy cơ virus lây sang người từ dơi ở Trung Quốc. Cũng như vậy, Sở Y tế và Dịch vụ Con người Mỹ năm 2019 đã cảnh báo là nước Mỹ không sẵn sàng đối phó đại dịch từ Trung Quốc. Tuy nhiên, cú tấn công từ dịch bệnh COVID-19 là quá lớn đối với toàn cầu và bản thân nước Mỹ.

Chỉ số S&P 500 mất 1/3, đánh bại mọi công sức tích lũy nhiều năm trước đó. Ngày 15.3.2020, FED hạ lãi suất tham chiếu xuống 0%, nhưng thị trường chứng khoán vẫn lao dốc. Hành động của FED nhằm hỗ trợ giá và tạo thanh khoản cho các quỹ trái phiếu, vì trước đó, các quỹ trái phiếu đã mất 20-50% giá trị. Ngày 25.3.2020, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 3 tháng của Mỹ xuống tận -0,046%. Lãi suất âm nghĩa là giá trái phiếu đã được đẩy lên cao hơn cả mệnh giá và cuối cùng các trái chủ thậm chí còn phải trả tiền, cách này hay cách khác, cho đơn vị phát hành để sở hữu trái phiếu.

Lãi suất hạ không phải là lý do duy nhất thị trường phản ứng tích cực. FED đã 2 lần cam kết mua lại các trái phiếu, từ trái phiếu chính phủ liên bang cho đến trái phiếu chính phủ địa phương. Cam kết mua không giới hạn này tạo phấn khích cho cả nền kinh tế lẫn các nhà đầu tư, giao dịch viên lao vào thị trường. Chỉ số Dow Jones hồi phục mạnh, kéo theo cả VN-Index. Nhưng dịch bệnh vẫn còn đó. Mỹ trở thành nước có ca nhiễm nhiều nhất thế giới. Khoảng gần 3 triệu người Mỹ thất nghiệp vì COVID-19. So với lượng người thất nghiệp đột ngột này, thất nghiệp vì khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 thậm chí “không là gì”.

Rủi ro mang tính hệ thống của các khoản vay không chuẩn và tài sản dựa trên khoản vay vẫn còn đó. Thất nghiệp sẽ làm khô cạn khả năng trả nợ của các hộ gia đình, có nguy cơ làm bùng phát cuộc khủng hoảng nợ kéo theo đổ vỡ cả hệ thống. COVID-19 làm vỡ ra những điểm yếu đã tồn tại sẵn trong nền kinh tế. Theo dự báo ở nhiều thị trường, 3/4 số doanh nghiệp có nguy cơ phá sản vì ảnh hưởng của dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng, các hoạt động thương mại bị đình trệ. 

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này, các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao có thể kiếm lãi bằng các hợp đồng giao sau chỉ số, nếu có thanh khoản. Mặt khác, tìm kiếm các cơ hội đầu tư lên đủ T+3 cũng là phương thức tốt. Canh thời điểm chuẩn là yếu tố quyết định sống còn trong thời gian này.

(*): Giám đốc Đầu tư, STI Holdings