Bùng nổ tín dụng Trung Quốc có đáng lo?
Quy luật 5:30 ở đây được dùng để ám chỉ một quy luật về thời gian. Giáo sư Zhang nhận thấy trước khi hứng chịu khủng hoảng tài chính, hầu hết các nền kinh tế đều trải qua giai đoạn bùng nổ tín dụng ở mức 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khoảng thời gian 5 năm hoặc ít hơn. Kinh tế Nhật Bản nửa cuối thập niên 1980, hay Mỹ năm 2007 chính là những ví dụ điển hình.
Hiện tại, đến lượt Trung Quốc đi vào vết xe đổ này. Cuối năm 2008, tổng tín dụng các doanh nghiệp va hộ giao đình Trung Quốc lên tới hơn 118% GDP, số liệu từ Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) mới đây cho thấy. Đến tháng 9/2012, con số này lên tới 167%.
Sẽ là bình thường khi tín dụng ngày một tăng theo thời gian đối với một quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, khi tín dụng vượt quá xu hướng cơ bản, thảm họa sẽ đến ngay sau đó. Nhà phân tích Mathias Drehmann của BIS tính toán rằng khi tín dụng vượt quá 10% GDP, đó sẽ là chỉ báo tin cậy cho thấy quốc gia chuẩn bị rơi vào khủng hoảng trong vòng 3 năm tới. Riêng với Trung Quốc, tỷ lệ tín dụng của nước này hiện đã vượt quá xu hướng cơ bản 14%.
Không chỉ giáo sư Zhang và nhiều chuyên gia khác cảm thấy lo ngại về độ chênh lệch này của Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng tỏ ra khá lo lắng về tình trạng tín dụng mất kiểm soát trong nước. Điều này thể hiện rõ qua hàng loạt động thái nhằm tăng cường quản lý tín dụng của các nhà chức trách Trung Quốc trong nửa đầu năm nay.
Trong tháng 3, cơ quan quản lý Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng thắt chặt hoạt động đầu tư ngoài bảng cân đối kế toán. Tháng trước, cơ quan quản lý ngoại hối Trung Quốc cũng tìm cách ngăn chặn dòng vốn bất hợp pháp. Và hồi đầu tháng này, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng trong tình trạng báo động khi lãi suất liên ngân hàng tăng vọt trước thềm lễ Thuyền Rồng (Dragon Boat).
Các nhà chức trách Trung Quốc dường như đang tìm cách giúp thị trường tín dụng tăng trưởng chậm hơn và với tốc độ bền vững hơn.
Hồi tháng 5, tổng mức tài trợ xã hội bắt đầu tăng chậm lại. Trái ngược với tỷ lệ tín dụng ngày một tăng mạnh, GDP danh nghĩa của Trung Quốc lại chậm đi một cách đáng ngạc nhiên. Mặc dù trong quý I năm nay, tổng mức tài trợ xã hội Trung Quốc tăng mạnh, song tốc độ tăng trưởng đã giảm đi rất nhiều, trong khi lạm phát cũng có xu hướng dịu lại. Điều này khiến cả những người lạc quan nhất (những người cho rằng tăng cường tín dụng sẽ giúp kinh tế phục hồi mạnh) và những người bi quan nhất (những người cho rằng tín dụng tăng chính là nguyên nhân dẫn tới lạm phát cao) cũng cảm thấy ngạc nhiên.
Tuy nhiên, nhà phân tích thuộc Bank of America, ông Ting Lu, cho rằng tình trạng bùng nổ tín dụng ở Trung Quốc một phần là do lỗi thống kê. Ông lập luận rằng phương pháp thống kê tài chính của Trung Quốc bị sai lệch đi rất nhiều bởi cách tính trùng lặp (double counting) của chính phủ. Giả sử 1 công ty lớn thực hiện một khoản vay giá rẻ trên thị trường trái phiếu, sau đó cho một công ty khác vay lại với giá cao hơn, thì khoản vay đó sẽ xuất hiện 2 lần trên bảng thống kê của PBOC.
Giáo sư Đại học Southampton, ông Richard Werner, có một cách giải thích khác đối với tình trạng bùng nổ tín dụng của Trung Quốc. Thay vì chú ý vào biện pháp thống kê thiếu chính xác của các nhà chức trách Trung Quốc, ông Werner tập trung xem xét lại mối liên hệ giữa tín dụng, tăng trưởng và lạm phát - điều được ông rút ra từ chuyến thăm Nhật Bản đầu thập niên 1990 - thời điểm bong bóng tín dụng và bất động sản Nhật Bản phát nổ.
Ông nhận ra rằng mặc dù tình trạng cho vay quá mức kéo dài trong nhiều năm có thể gây ra nhiều hệ quả xấu, song nó tuyệt nhiên không phải là nguyên nhân dẫn đễn lạm phát giá tiêu dùng cao. Dựa vào kinh nghiệm này, ông lên tiếng ủng hộ một quan điểm hẹp hơn về nguồn gốc của tín dụng, cũng như quan điểm rõ ràng hơn đối với mục đích của các khoản tín dụng đó. Theo đó, ông cho rằng chỉ có các ngân hàng có thể thực hiện các khoản cho vay. Các khoản cho vay này sau đó tạo ra tiền gửi được sử dụng để thanh toán. Các tổ chức tài chính khác chỉ đóng vai trò luân chuyển sức mua giữa các bên. Khái niệm về tín dụng do Werner đưa ra giúp loại bỏ hoàn toàn các khoản vay phi ngân hàng - thứ đang góp phần thổi bùng bong bóng tín dụng ở Trung Quốc.
Phân tích thứ 2 được ông Werner đưa là tín dụng cũng phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Một số được dùng để mua bán hàng tiêu dùng, số khác để xây dựng nhà máy mới, nhà cửa và các tài sản vật chất, và số khác nữa thì nằm trong những tài sản đã tồn tại sẵn. 2 loại mục đích tín dụng đầu tiên đóng góp trực tiếp vào GDP đất nước, còn loại thứ 3 thì không.
Vì những tài sản này đã tồn tại sẵn, hoạt động mua bán chúng không đóng góp trực tiếp vào GDP hay gây sức ép lạm phát. Những tài sản này càng nhiều, nguy cơ kinh tế không tăng trưởng hoặc chững lại càng cao.
Vào thời kỳ bong bóng bùng nổ, ở Nhật Bản tồn tại rất nhiều loại tín dụng kiểu này. Những loại tín dụng này chủ yếu được đầu tư vào đất đai và bất động sản, khiến giá của chúng bị vọt lên mức không bền vững. Ở Trung Quốc, loại hình tín dụng này rất khó xác định nếu chỉ nhìn vào số liệu từ ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc lại có 2 hình thức đầu tư khác nhau. Hình thức thứ nhất (hay còn gọi là tổng tư bản cố định) là đầu tư vào các tài sản vật chất mới, và nó đóng góp khá nhiều cho GDP. Hình thức thứ 2 (hay còn gọi là đầu tư tài sản cố định) là đầu tư vào các tài sản đã tồn tại, bao gồm cả đất đai.
Trong năm 2008, số tiền ở cả 2 loại hình đầu tư này này là bằng nhau. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, lượng tiền đầu tư vào tài sản mới chỉ bằng 70% so với đầu tư tài sản cố định. Điều này đồng nghĩa các tài sản đã tồn tại đang chiếm ưu thế với tốc độ ngày một nhanh hơn và giá cả theo đó cũng leo thang.
Mặc dù vậy, không phải sự bùng nổ tín dụng nào cũng hoàn toàn xấu, đặc biệt là với Trung Quốc. Kể từ năm 2001 đến đầu năm 2004, tổng tín dụng Trung Quốc cũng tăng một cách nhanh chóng, thậm chí vượt xa quy luật 5:30. Đến cuối thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc buộc phải bơm 45 tỷ USD cho các ngân hàng lớn nhất nhằm giúp họ sửa chữa những sai sót trong hoạt động cho vay. Kết quá, không có bất cứ cuộc khủng hoảng nào diễn ra sau đó. Thậm chí, kinh tế Trung Quốc còn tăng trưởng tới 12% trong 3 năm tiếp theo.
Sự khác biệt giữa bùng nổ tín dụng Nhật Bản và Trung Quốc là các ngân hàng và người đi vay Trung Quốc ít nhiều được chính phủ chống lưng, trong khi Nhật Bản bỏ mặc các ngân hàng và doanh nghiệp trong nước tự gánh lấy nợ xấu. Bên cạnh đó, các khoản vay và đầu tư sai lầm không làm ảnh hưởng hay ngăn cản các khoản vay và đầu tư mới trong tương lại của Trung Quốc. Có thể nói, vị thế của Trung Quốc so với Nhật Bản những năm 1990 hoàn toàn khác, do đó khó có thể đoán trước liệu Trung Quốc có rơi vào thập kỷ mất mát vì bùng nổ tín dụng như Nhật Bản hay không.
Nguồn The Economist/Dân Việt