Thứ Tư | 29/05/2013 15:20

Bùng nổ nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp thị trường mới nổi

Trước nhu cầu ngày càng tăng của giới đầu tư đối với các loại tài sản rủi ro, các doanh nghiệp thị trường mới nổi cũng đua nhau phát hành trái phiếu.
Trong tháng này, một trong những sự kiện gây chấn động thị trường tín dụng thế giới là việc Apple phát hành 17 tỷ USD trái phiếu iBond. Nhiều người cho rằng các nhà đầu tư trái phiếu sẽ đổ xô đi mua iBond của Apple.

Tuy nhiên, đối với nhiều nhà đầu tư, ngôi sao sáng trên thị trường đối với họ lúc đó không phải là iBond của Apple mà là đợt trái phiếu phát hành sau đó vài tuần của Petrobras, công ty dầu khí quốc gia Brazil. Petrobras phát hành tổng cộng 11 tỷ USD trái phiếu và là đợt phát hành lớn nhất tại các thị trường mới nổi tính đến thời điểm hiện tại.

Chỉ trong một thời gian ngắn, số tiền mà các nhà đầu tư đặt mua trái phiếu của Petrobras tăng vọt lên gần 50 tỷ USD, thấp hơn đôi chút so với Apple do giá trái phiếu thấp hơn. Mặc dù vậy, đây cũng là dấu hiệu cho thấy đây chính là thời khắc lên ngôi của tín dụng doanh nghiệp thị trường mới nổi.

Theo các nhà phân tích nhu cầu trái phiếu thị trường mới nổi được thúc đẩy bởi hoạt động tích cực của các ngân hàng trung ương trong thời gian qua. Việc lợi suất trái phiếu nợ quốc gia bị đẩy xuống mức cực thấp buộc các nhà đầu tư phải chuyển sang các tài sản rủi ro nhưng có lãi suất cao hơn để tìm kiếm lợi nhuận.

Nhà phân tích Martin Weber tại Goldman Sachs nhận định: "Nhu cầu đối với các tài sản rủi ro đang lên cao chưa từng có ở thời điểm này. Những nhà đầu tư có truyền thống mua trái phiếu được xếp hạng khuyến khích đầu tư ở Tây Âu giờ cũng bắt đầu chuyển sang Trung và Đông Âu".

Trong bối cảnh nhu cầu tài sản rủi ro tăng mạnh mẽ, lợi suất trái phiếu doanh nghiệp ở các thị trường mới nổi cũng xuống mức thấp nhất 4%, so với 5,3% hồi đầu năm ngoái. Không bỏ lỡ cơ hội đó, các doanh nghiệp thị trường mới nổi ồ ạt phát hành hàng loạt đợt trái phiếu mới.

Theo thống kê từ Dealogic, trong 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp thị trường mới nổi đã phát hành tổng cộng 153 tỷ USD trái phiếu, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Năm ngoái, con số này chỉ có 92 tỷ USD.

Với quy mô khoảng 900 tỷ USD, thị trường nợ doanh nghiệp các nước mới nổi có thể sánh ngang với thị trường trái phiếu lợi suất cao trị giá 1 nghìn tỷ USD của Mỹ, và lớn hơn thị trường nợ quốc gia của các nước mới nổi (650 tỷ USD), số liệu từ Dealogic cho thấy

Nhà quản lý danh mục đầu tư thị trường mới nổi tại Alliance Shamaila Khan cho biết: "Quy mô này mang lại một số lợi ích, như thanh khoản lớn hơn, cũng như có nhiều cơ hội đa dạng hóa danh mục đầu tư nhằm tránh rủi ro".

Tuy nhiên, thị trường nợ doanh nghiệp các nước mới cũng ẩn chứa không ít rủi ro khiến các nhà đầu tư không khỏi lo lắng. Một trong những rủi ro mà các nhà đầu tư tín dụng lo lắng nhất vào thời điểm này là lãi suất tăng. Trong bối cảnh hiện tại, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp thị trường mới nổi có xu hướng tăng nhiều hơn giảm, một nhà đầu tư nhận định. Bên cạnh đó, trái phiếu doanh nghiệp thị trường mới nổi còn một số nhược điểm khác như tính thanh khoản còn khá thấp ở một số khu vực và biến động giá cả liên tục khiến việc dự đoán gặp nhiều trở ngại.

Ngoài ra, có một thực tế đang diễn ra tại các thị trường mới nổi đó là các doanh nghiệp càng phát hành nhiều, chất lượng trái phiếu cũng theo đó ngày càng giảm, chưa kể các công ty cũng phải gánh nhiều nợ hơn.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy tỷ lệ nợ trên lợi nhuận của các doanh nghiệp thị trường mới nổi đã tăng từ 1,5 lần cuối năm ngoái lên 2 lần trong năm nay, trong khi tăng trưởng lợi nhuận thì liên tục giảm còn nợ liên tục tăng.

Tỷ lệ nợ trên lợi nhuận này cũng ngang bằng với các doanh nghiệp được xếp hạng khuyến khích đầu tư ở Mỹ, do đó thị trường tín dụng mới nổi đã đánh mất gần như tất cả lợi thế của mình so với thị trường Mỹ, nghiên cứu kết luận.

Một mối quan tâm khác rộng lớn hơn đối với trái phiếu doanh nghiệp thị trường mới nổi đó là việc ngày càng nhiều công ty phát hành trái phiếu bằng đồng USD vô hình chung đang đẩy chính bản thân họ vào một đợt biến động tiền tệ mới.

Nếu đồng nội tệ trong nước mất giá, gánh nặng nợ nần của họ cũng theo đó tăng lên, thậm chí có thể dẫn tới nguy cơ phá sản. Cho đến nay, các khoản tín dụng bằng đồng USD vẫn được coi là cội nguồn gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho các doanh nghiệp thị trường mới nổi lẫn các nhà đầu tư.

Nguồn FT/Dân Việt


Sự kiện