Thứ Ba | 12/08/2014 15:04

Bùng nổ dòng vốn vào thị trường sơ khai và rủi ro tiềm ẩn

Giới đầu tư mạo hiểm "ham" lợi nhuận cao đang rót hàng tỷ USD vào các thị trường sơ khai khiến lượng vốn tăng quá cao và nhanh.
Tính đến thời điểm hiện tại của năm 2014, các quỹ nước ngoài đã bơm 2,2 tỷ USD vào các thị trường sơ khai, từ Argentina cho đến Việt Nam; đồng thời, cũng rút 720 triệu USD ra khỏi các thị trường mới nổi, theo số liệu của công ty chuyên theo dõi các quỹ đầu tư EPFR.

Xu hướng đầu tư vào các thị trường sơ khai ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi.
Xu hướng đầu tư vào các thị trường sơ khai ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi.

Kết quả là, chỉ số MSCI Thị trường sơ khai tăng 19% tính đến ngày 5/8, cao hơn nhiều so với 6% của MSCI Thị trường mới nổi và 2,2% của MSCI Thế giới.

Với lượng vốn chảy vào lớn như vậy, thị trường sơ khai nhanh chóng trở thành một trong những khối thị trường hiệu quả nhất thế giới. Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên lo ngại rằng, động lực tăng trưởng của thị trường sơ khai sẽ phụ thuộc nhiều vào dòng vốn hơn là triển vọng đầu tư cải thiện.

Dòng vốn chảy vào các thị trường sơ khai ngày càng tăng và gần như không bị gián đoạn
Dòng vốn chảy vào các thị trường sơ khai ngày càng tăng và gần như không bị gián đoạn

Dòng vốn chảy vào các thị trường sơ khai ngày càng tăng và gần như không bị gián đoạn, ngay cả khi các thị trường tại Mỹ, châu Âu và một số nước mới nổi liên tục biến động mạnh trong vài tuần gần đây.

Xu hướng đầu tư vào các thị trường sơ khai ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi. Tháng 6, quỹ đầu tư quốc gia Na Uy - quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới - cũng đã nhảy vào "cuộc chơi" khi mở rộng danh mục đầu tư sang các thị trường sơ khai.

Tuy nhiên, vấn đề là, cơ hội đầu tư vào các thị trường sơ khai quá ít trong khi tính cạnh tranh lại rất cao. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài của nhiều công ty thậm chí đã đạt đến giới hạn của chính phủ.

Theo số liệu của MSCI, 10 cổ phiếu chiếm hơn 35% chỉ số MSCI Thị trường sơ khai trong khi các doanh nghiệp tại Kuwait và Nigeria lần lượt chiếm gần 1/4 và 1/5 tổng giá trị vốn hóa thị trường của chỉ số này.

Tổng giá trị vốn hóa thị trường của tất cả các cổ phiếu thuộc chỉ số MSCI Thị trường sơ khai đạt 109 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với 4 nghìn tỷ USD của MSCI Thị trường mới nổi. Với quy mô như vậy, một số nhà đầu tư bày tỏ lo ngại về nguy cơ thoái vốn đột ngột, gây ra làn sóng bán tháo.

Theo các nhà quản lý quỹ, một phần lý do khiến thị trường sơ khai hoạt động hiệu quả là, một số nước đã được xếp loại lại. Ví dụ, Qatar và Các tiểu vương quốc Arab đã được nâng lên thành thị trường mới nổi hồi tháng 6, thu hẹp phạm vi của khối thị trường sơ khai. Như vậy, dòng vốn nước ngoài sẽ tập trung hơn, nói cách khác, dòng vốn vào thị trường sơ khai còn lại sẽ tăng lên.

Tính đến ngày 6/8/2014, chỉ số VNIndex của Việt Nam đã tăng 20%, KSE 100 của Pakistan tăng 16% trong khi Merval của Argentina tăng 50% tính đến ngày 5/8. Trong 6 tháng đầu năm, lợi suất trung bình của giới đầu tư tại các thị trường sơ khai đạt 9,8%, cao hơn nhiều so với 4,7% của khối thị trường phát triển.

Theo Thomas Vester, giám đốc đầu tư toàn cầu tại quỹ LGM Investments, định giá chứng khoán tại các thị trường sơ khai vẫn chưa tăng quá cao với lợi suất trên cổ tức vào khoảng 4% so với 2,5% của các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, ông Vester cũng cảnh báo xu hướng chạy theo lợi nhuận cao có thể dẫn đến tình trạng dòng vốn chảy vào những doanh nghiệp rủi ro cao.

Một số nhà đầu tư khác lại thận trọng hơn. Peter Marber – nhà quản lý quỹ Loomis Sayles & Co. – nhận định, chỉ cần một lượng vốn nhỏ, các thị trường sơ khai có thể tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản thực hiện các chương trình nới lỏng định lượng và chính sách lãi suất cận 0.

Nguồn Theo DVO/ Wall Street Journal


Sự kiện