Thứ Sáu | 20/07/2012 10:01

Bùng nổ đầu tư ở các thị trường mới nổi châu Âu nhờ khủng hoảng

Khủng hoảng kinh tế, đẩy euro xuống thấp nhất 2 năm với USD lại đang giúp dòng tiền đổ vào các nước mới nổi châu Âu.
Trước đây, euro giảm giá thường kéo theo tiền tệ của các quốc gia châu Âu khác khi các nhà đầu tư cho rằng tình trạng khu vực đồng euro (eurozone) xấu thì các láng giềng của nó cũng vậy. Tuy nhiên, giờ đây các đồng tiền các nền kinh tế đang phát triển châu Âu từ Ba Lan đến Cộng hòa Séc và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ nguyên giá trị.

Kể từ quyết định hạ lãi suất hôm 6/7 của ECB, euro giảm 1,2% với lira của Thổ Nhĩ Kỳ, nước có hành lang lãi suất suất từ 5,75% đến 11,5%. Lãi suất tại Ba Lan là 4,75% và euro giảm 1,3% với đồng zloty. Euro cũng giảm 1,4% với kouruna của Cộng hòa Séc, nước có lãi suất 0,5%.

Sự không rõ ràng về tương lai khu vực đồng tiền chung khiến các nhà đầu tư đổ tiền vào các nước châu Âu mới nổi, tìm cách tận dụng chi phí vay mượn rẻ nhờ lãi suất cơ bản và lãi suất tiền gửi thấp kỷ lục của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

Trái phiếu các nước mới nổi cũng thu hút hơn, do lợi suất của những trái phiếu được coi là an toàn quá thấp, trong khi các trái phiếu có lợi suất cao như của Tây Ban Nha lại quá rủi ro. Từ đó nhu cầu trái phiếu các nước này được thúc đẩy và lợi suất của chúng giảm. Các nhà đầu tư đã bỏ thêm 1 tỷ USD và các quỹ trái phiếu thị trường mới nổi tuần trước, tăng gần 12% so với tuần trước đó. Họ cũng cam kết đầu tư hơn 25 tỷ USD vào các nền kinh tế đang phát triển trong năm nay, theo dữ liệu từ EPFR Global.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm của Ba Lan giảm 0,65% điểm từ 23/3 xuống 4,45%. Lợi suất trái phiếu cùng kỳ hạn của Cộng hòa Séc cũng giảm 1,3% từ mức cao kỷ lục 3,1% ngày 7/2, lợi suất của Thổ Nhĩ Kỳ giảm xuống 7,7% từ 9,47% ngày 21/3.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm của Mỹ và Đức lần lượt là 0,6% và 0.27%, đồng thời lạm phát ở Đức và Mỹ đều là 1,7%, một cách nào đó có thể nói các nhà đầu tư đang phải trả tiền để mua nợ các nước này.

Điều này giống trường hợp của Nhật Bản, khi lãi suất thấp kỷ lục thúc đẩy việc bán yên để mua các tài sản lợi suất cao hơn, thường được gọi là nghiệp vụ kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade).

Tuy nhiên, có một số lo ngại các thị trường nợ ở hầu hết các nước đang phát triển không đủ lớn hay đủ thanh khoản với dòng vốn mới. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng phải bỏ qua những vấn đề các nền kinh tế này.

Lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục vượt quá mục tiêu chính phủ, mặc dù giảm từ mức 2 con số xuống 8,87% tháng 6, nhưng vẫn cao hơn khá nhiều mục tiêu cuối năm 6,5%. Trong khi đó, lạm phát của Ba Lan tăng lên 4,3% trong tháng 6 từ 3,6% tháng 5 ngay cả khi kinh tế nước này đang chậm lại, và được dự đoán tăng trưởng tiếp tục giảm do ảnh hưởng khủng hoảng nợ châu Âu.

Nguồn WSJ/ Khampha


Sự kiện