Những kỳ vọng của thị trường như tránh được suy thoái kinh tế, lạm phát, nợ công và lãi suất cao khó xảy ra cùng một lúc. Ảnh: The Economist.

 
Khánh Tú Thứ Hai | 13/11/2023 14:03

Bức tranh tươi sáng của nền kinh tế toàn cầu sẽ không kéo dài?

Giới chuyên môn nhận định nếu tin vào bức tranh tươi sáng hiện tại có thể là đang đặt cược vào một "canh bạc lớn".

Cách đây 1 năm, nhiều người cho rằng lãi suất cao trong thời gian lâu có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào một cuộc suy thoái. Nhưng hiện tại bức tranh nền kinh tế vẫn tươi sáng bất chấp căng thẳng địa chính trị xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới.

Quý III/2023, nền kinh tế Mỹ bùng nổ với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc 4,9%. Ở thế giới, lạm phát đang đi theo chiều hướng giảm và tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp. Do đó, nhiều Ngân hàng Trung ương đã phát tín hiệu tạm dừng tăng lãi suất. Ngay cả Trung Quốc, quốc gia đang vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản, cũng ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi tích cực.

Tuy nhiên lại không có căn cứ nào để chắc chắn rằng những niềm vui này sẽ kéo dài. Những trụ cột tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế dường như không ổn định và tồn tại nhiều mối đe dọa phía trước. Lãi suất có thể không còn tăng nhưng sẽ không giảm nhiều. Trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ gần đây, Cục Dự trữ Liên bang (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều quyết định giữ nguyên mức lãi suất. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng có quyết định tương tự. Tuy nhiên vẫn chưa có ngân hàng nào cho biết liệu chiến dịch tăng lãi suất đã đến hồi kết hay chưa.

Vẫn còn nhiều tồn tại đe doạ nền kinh tế ở phía trước. Ảnh: Pixabay.
Vẫn còn nhiều tồn tại đe dọa nền kinh tế ở phía trước. Ảnh: Pixabay.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng vì vậy mà tăng mạnh. Chính phủ Mỹ phải trả mức lợi suất 5% cho trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm, tăng từ mức 1,2% trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Không chỉ ở Mỹ mà ở những nền kinh tế nổi tiếng với mức lãi suất thấp cũng chứng kiến sự gia tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc. Đức, chẳng hạn, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm ở nước này đã tăng lên 3%. 

Một số ý kiến cho rằng lãi suất cao trong thời gian dài như hiện tại là điều tốt. Điều này phản ánh sức trụ vững vàng của nền kinh tế Mỹ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung. Ngược lại, nếu lãi suất cao kéo dài sẽ làm đảo lộn các chính sách kinh tế hiện nay, thậm chí có nguy cơ gây đứt gãy đà tăng trưởng.

Động lực tăng trưởng chủ yếu ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đến từ chi tiêu tiêu dùng. Bất chấp áp lực lạm phát dai dẳng, lãi suất cao và thị trường lao động sụt giảm, người dân Mỹ vẫn thoải mái chi tiêu bằng số tiền tích góp được trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh. Ước tính các hộ gia đình Mỹ khoảng 1.000 tỉ USD và số tiền này được giới phân tích dự đoán sẽ sớm cạn kiệt. Khi nguồn tiền tiết kiệm cạn kiệt cũng là lúc lãi suất cao phát tán ảnh hưởng buộc người tiêu dùng chi tiêu ít hơn. Những rắc rối cho nền kinh tế cũng bắt đầu từ đó.

 

Trong 12 tháng tính đến tháng 9/2023, thâm hụt của Mỹ là 2.000 tỉ USD, tương đương 7,5% GDP, gấp 2 lần so với dự kiến trước đó vào năm 2022. Hiện tại, nợ công của các nước giàu trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Ý và Nhật đều đang ở mức cao nhất kể từ giai đoạn 1803-1815. Nợ công sẽ càng khó giải quyết hơn khi lãi suất cao kéo dài. Dẫu vậy, FED vẫn phát tín hiệu sẽ không cắt giảm lãi suất chỉ vì để giảm bớt áp lực ngân sách cho chính phủ các nước.  

Theo các dữ liệu báo cáo, các khoản nợ của ECB đã bắt đầu trở nên mất cân đối. Ngay cả lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật ở mức thấp là 0,8% vào năm 2022 vẫn phải chi 8% ngân sách cho việc trả lãi. Một số chính phủ đã phải thực hiện thắt lưng buộc bụng khiến nền kinh tế trở nên khó khăn hơn. Cũng vì vậy mà những kỳ vọng của thị trường như tránh được suy thoái kinh tế, lạm phát, nợ công và lãi suất cao cùng một lúc ngày càng cách xa.

Một kịch bản được đưa ra là tập trung vào tăng trưởng cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (A.I). Mùa báo cáo tài chính quý III cho thấy các công ty công nghệ hầu như có thể chống chịu được với lãi suất cao nhờ vào kết quả tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ việc phát triển A.I. Tiềm năng của công nghệ này được thể hiện rõ qua thị trường chứng khoán đến giờ vẫn hoạt động tốt. Ở thị trường chứng khoán Mỹ, vốn hóa của 7 công ty Top đầu ngành công nghệ liên tục trong thời gian qua chính là động lực tăng trưởng của chỉ số S&P 500.

Tuy nhiên, chi tiêu công vẫn là yếu tố chiếm tỉ trọng lớn. Hiện tại thế giới vẫn còn rất nhiều thứ để chi tiêu từ quá trình chuyển đổi năng lượng xanh đến các cuộc căng thẳng địa chính trị đang diễn ra trên nhiều khu vực. Theo đó, giới chuyên môn nhận định nếu vẫn còn lạc quan với niềm tin nền kinh tế toàn cầu đang ở trong xu hướng phát triển đều có nghĩa là đang đặt cược vào một “canh bạc lớn”.

Có thể bạn quan tâm:

Startup GenAI dẫn đầu làn sóng kỳ lân mới

Nguồn The Economist