Bức tranh sản xuất trái chiều của Trung Quốc và Nhật Bản
Tháng 1, trong khi lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản duy trì đà tăng trưởng bền vững thì sản xuất Trung Quốc tiếp tục suy yếu.
Cụ thể theo báo cáo của Markit/JMMA, chỉ số PMI sản xuất của Nhật Bản tăng nhẹ lên 52,2 điểm trong tháng 1 từ mức 52 điểm của tháng 12 và ghi nhận tháng tăng trưởng thứ 8 liên tiếp.
Theo đó, sản lượng sản xuất của Nhật Bản ghi nhận 6 tháng tăng trưởng liên tiếp nhờ số lượng đơn hàng mới tăng mạnh và khối doanh nghiệp tuyển dụng thêm nhân viên. Một điểm đáng mừng là, giá đầu vào và giá đầu ra tại Nhật Bản tiếp tục tăng nhờ yên suy yếu so với USD.
Giới chuyên gia kinh tế dự báo, kinh tế Nhật Bản sẽ nhanh chóng phục hồi trong năm nay nếu lĩnh vực sản xuất tại Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Ngược lại theo báo cáo của HSBC, lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục suy yếu khi chỉ số PMI tháng 1 gần như không đổi ở 49,7 điểm, nhỉnh hơn mức 49,6 điểm của tháng 12/2014.
HSBC cho biết, mặc dù sản lượng sản xuất của Trung Quốc tăng nhẹ và số đơn hàng mới tăng trưởng ổn định hơn nhưng khối doanh nghiệp lại liên tiếp sa thải nhân viên trong 15 liên tiếp. Trái ngược với Nhật Bản, giá đầu vào và giá đầu ra tại Trung Quốc lại đồng loạt giảm mạnh. Theo đó, giá đầu vào ở Trung Quốc đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp tính đến tháng 1 với tốc độ giảm nhanh nhất kể từ tháng 3/2009.
Trước đó ngày 1/2, chính phủ Trung Quốc cho biết, chỉ số PMI sản xuất của nước này xuống thấp nhất 2 năm ở 49,8 điểm từ mức 50,1 điểm của tháng 12.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Hua Changchun tại Nomura, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục suy yếu trong quý I/2015 do lĩnh vực sản xuất chưa thể phục hồi. Chính phủ Trung Quốc cần phải áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ và tài chính táo bạo hơn để thoát khỏi tình trạng tăng trưởng trì trệ, theo chuyên gia kinh tế trưởng Hongbin Qu tại HSBC.
Nguồn DVO/ Markit, HSBC