Bức tranh địa kinh tế của thế giới 2012
Trong năm qua, kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm, thị trường lao động chậm cải thiện trong bối cảnh môi trường toàn cầu yếu, mặc dù thị trường nhà đất đang có xu hướng ổn định dần.
Tốc độ tăng trưởng thực tế của Mỹ quý I đạt mức 2,4% (so với cùng kỳ năm trước), giảm xuống 2,1% trong quý II/2012. Tình hình kinh tế Mỹ khả quan hơn trong nửa cuối năm 2012, với tăng trưởng kinh tế quý III/2012 đạt 2,5%, chủ yếu nhờ cầu tiêu dùng tăng mạnh và bù đắp sự sụt giảm của đầu tư kinh doanh.
Hiện chính quyền Obama và các nhà lãnh đạo quốc hội đang cố gắng thương lượng nhằm đạt được thỏa thuận ngăn chặn bờ vực tài khóa bằng cách tăng thuế và cắt giảm chi tiêu chính phủ trị giá 600 tỷ USD. Những biện pháp này sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2013. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này vẫn đang bế tắc.
Theo đánh giá của cơ quan xếp hạng Fitch, nếu chính quyền Obama và các nhà lãnh đạo quốc hội không đạt được thỏa thuận, "bờ vực tài khóa" sẽ khiến Mỹ rơi vào suy thoái lần 2, GDP giảm 2% xuống còn 0,4% trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên 10% so với hiện tại là 7,9%. Đồng thời, việc Mỹ không không đạt được thỏa thuận về ngăn chặn "bờ vực tài khóa" cũng sẽ gây tác động tiêu cực đối với nhiều nước trên thế giới.
2. Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất 13 năm
Theo số liệu của Cục thống kê Trung Quốc, trong quý III, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7,4%. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp kinh tế nước này giảm tốc và chậm nhất kể từ quý I/2009. Tăng trưởng 9 tháng đầu năm của Trung Quốc là 7,7%.
Theo dự báo của công ty Quản lý đầu tư Thái Bình Dương (Pimco), hãng điều hành quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới, tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay vào khoảng 7%, tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1999.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong những năm qua phần lớn là do ngân hàng cho vay kỷ lục. Tuy nhiên, việc này lại đẩy giá nhà tăng cao, khiến nhiều người lo ngại bong bóng nhà đất và nghi ngờ liệu tăng trưởng nhờ cho vay có bền vững trong dài hạn.
Việc này đã thôi thúc các nhà hoạch định chính sách đưa ra hàng loạt biện pháp kiềm chế tín dụng. Các nhà phân tích cho biết tuy động thái này đã góp phần kiểm soát giá bất động sản, nhưng cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Hiện tại, Bắc Kinh đang theo đuổi chương trình tinh chỉnh các chính sách kinh tế, với một loạt thay đổi như cắt giảm lãi suất, tăng cường tiền mặt cho vay và phê duyệt một loạt các dự án về cơ sở hạ tầng, với mục tiêu củng cố nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng.
3. Châu Phi trở thành cực tăng trưởng mới của thế giới
Trong khi thế giới đang phải vật lộn và chống chọi lại những cơn bão của khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì tại châu Phi, rất nhiều quốc gia được tận hưởng “hương vị ngọt ngào“ của giai đoạn tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua.
Theo nhận định của Liên minh châu Phi (AU) và Uỷ ban Liên hợp quốc về kinh tế châu Phi (UNECA), châu Phi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu với vị thế mới là một cực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Cũng theo AU và UNECA, nếu châu Phi tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 7% như thời kỳ 2001-2008, trong khi phần còn lại của thế giới là 3%, thị phần của châu Phi trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ vượt sớm quá 5% trong 2 thập kỷ tới.
Tuy nhiên, châu Phi vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng, nạn đói, lực lượng lao động có tay nghề thấp... Do đó, để trở thành một cực tăng trưởng thực sự của nền kinh tế thế giới, châu Phi cần giữ vững động lực tăng trưởng hiện nay trong 2 thập kỷ tới đồng thời thúc đẩy các cải cách táo bạo và đổi mới về chính trị và quản trị kinh tế. Cụ thể, châu Phi cần tập trung cải tổ cơ cấu, phát triển cơ sở hạ tầng thích hợp, cải tổ hệ thống giáo dục và vượt qua tác động của biến đổi khí hậu.
4. Eurozone rơi vào suy thoái
Lần thứ hai kể từ 2009, khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) chính thức quay lại vòng xoáy suy thoái với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tiếp tục sụt giảm 0,1% trong quý III, sau khi đã giảm 0,2% vào quý II.
Các chuyên gia nhận định rằng số liệu thống kê nói trên cho thấy bất chấp các nền kinh tế đầu tàu châu Âu như Pháp, Đức trên đà tăng trưởng, eurozone vẫn không thoát khỏi vòng xoáy suy thoái và tình hình có thể xấu đi trong thời gian tới.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng cảnh báo liên minh tiền tệ này có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng hơn với mức suy giảm 0,5% trong năm nay và 0,3% cho năm 2013.
Nguyên nhân khiến tình hình eurozone ngày càng bi đát chủ yếu do sự bất ổn kéo dài tại các nước thành viên, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp tăng cao. Cụ thể, Hy Lạp đã suy thoái 5 năm liên tiếp với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 26%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha trong quý III là 25%, cao nhất từ khi quốc gia này chuyển sang chế độ dân chủ năm 1976.
5. Myanmar mở cửa đối với nhà đầu tư nước ngoài
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây cùng tiến trình cải cách chính trị đã đưa Myanmar bước một trang mới trong hoạt động thu hút vốn đầu tư. Từ chỗ nằm trong danh sách những nước nghèo nhất thế giới sau hơn hai thập kỷ bị bao vây cấm vận, giờ đây với sự thay đổi tư duy mạnh mẽ của bộ máy lãnh đạo, đứng đầu là tổng thống Thein Sein, nền kinh tế này đã có những cải cách đáng kể về luật lệ đầu tư và tiền tệ.
Ngày 3/11, truyền thông nhà nước Myanmar đã chính thức công bố luật đầu tư nước ngoài mới sau khi văn kiện này được quốc hội thông qua hôm 1/11 và được tổng thống U Thein Sein ký ban hành ngày 2/11.
Luật mới gồm 20 chương, quy định người nước ngoài có thể đầu tư 100% vốn trong các hoạt động kinh doanh được Ủy ban đầu tư Myanmar chấp thuận. Luật mới cũng cho phép miễn thuế thu nhập trong 5 năm đầu kinh doanh, và miễn hoặc giảm thuế thương mại đối với các sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, luật còn cho phép nước ngoài ký hợp đồng cho thuê đất đầu tư ban đầu kéo dài 50 năm, có thể gia hạn sau 10 năm.
Nhờ quá trình mở cửa này, chỉ trong 2 năm vừa qua, đầu tư nước ngoài vào Myanmar đã vượt qua con số 20 tỷ USD. Trong khi đó, tính từ năm 1988 đến cuối tháng 9/2012, Myanmar đã thu hút tổng cộng hơn 40 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực như dầu khí, năng lượng, khai khoáng, lâm nghiệp...
6. Kinh tế Trung Đông bị ảnh hưởng do bất ổn chính trị
Tình trạng bất ổn chính trị kéo dài tại Syria, Iran không những đẩy thâm hụt ngân sách, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp của những nước này tăng cao mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế của các nước láng giềng trong khu vực Trung Đông.
Cuộc nổi dậy của phe đối lập chống lại tổng thống Syria Assad kéo dài 21 tháng qua đã khiến đầu tư nước ngoài vào Syria sụt giảm thê thảm, đồng nội tệ của nước này cũng mất khoảng 1/3 giá trị. Theo Chương trình lương thực thế giới (WFP), khoảng 1,4 triệu người Syria, chủ yếu là ở các khu vực Homs, Hama, Damascus, Daraa và Idleb đang đứng trước nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng.
Trong khi đó, lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran cùng nguy cơ bị Israel tấn công đã gây thiệt hạ nặng nề cho nền kinh tế Tehran. Chỉ tính riêng lệnh trừng phạt dầu mỏ đã khiến Iran mất đi một nguồn thu lên tới 40 - 50 tỷ USD.
Lệnh trừng phạt quốc tế đã khiến đồng rial của Iran giảm giá mạnh, hàng hóa trở nên quá đắt đỏ với đại đa số dân thường. Lạm phát Iran hiện đang ở mức 25% và theo dự báo sẽ lên tới 30% trong vài tháng nữa.
Cuộc xung đột kéo dài ở Syria và nguy cơ Israel tấn công Iran đã gây ảnh hưởng xấu đến các nền kinh tế láng giềng trong khu vực, như Lebanon, Iraq, Jordan và đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, bất ổn của Iran cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đối với giá năng lượng trên toàn thế giới bởi Iran hiện đang là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Ảrập Xêút.
7. Lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran có hiệu lực
Ngày 1/7, Liên minh châu Âu (EU) chính thức ngừng nhập khẩu dầu Iran cũng như ngừng bảo hiểm tất cả các lô dầu nhập từ nước này. Lệnh cấm vận này nhằm gây sức ép buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân.
Lệnh cấm đã được các nước thành viên EU nhất trí thông qua lần đầu tại cuộc họp hôm 23/1 và lần tiếp theo hôm 25/6, bao gồm việc cấm nhập khẩu dầu thô, các sản phẩm hóa dầu và vàng của Iran.
Mặc dù chính quyền Iran liên tục khẳng định không lùi bước trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây, song có thể thấy nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian qua.
Chương trình hạt nhân của Iran đã trở thành tâm điểm của thế giới trong những năm gần đây. Mỹ và phương Tây lo ngại Iran phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích quân sự. Trong khi đó, Iran nhiều lần bác bỏ cáo buộc trên và khẳng định chương trình hạt nhân của mình chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Cho đến nay, Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đã tổ chức 3 vòng đàm phán kể từ tháng 4. Tuy nhiên cả 2 bên đều không đạt được bước đột phá nào trong các vòng đàm phán vừa qua.
8. Hàng loạt công ty Nhật Bản đóng cửa ở Trung Quốc do tranh chấp đảo
Trong tháng 9, hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản, từ sản xuất ô tô tới điện tử và bán lẻ đã đóng cửa hàng và nhà máy ở Trung Quốc do biểu tình liên quan đến tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư ở nước này tiếp tục lan rộng.
Ngày 17/9, các công ty Nhật Bản bao gồm Canon, Lion, Panasonic tuyên bố ngừng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Sau đó một ngày, hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới Toyota cũng tuyên bố ngừng một số hoạt động sản xuất trong khi một loạt các hãng sản xuất ô tô khác như Nissan, Honda và Mazda cũng dự định đóng cửa tạm thời các nhà máy liên doanh tại Trung Quốc.
Cũng trong ngày 18/9, hãng bán lẻ khổng lồ của Nhật Bản là Seven & i Holdngs buộc phải tạm thời đóng cửa tất cả các cửa hàng ở Bắc Kinh và Thành Đô. Một hãng bán lẻ khác là Fasst Retailing cũng tuyên bố đóng cửa 42 trên tổng số 145 cửa hàng ở Trung Quốc.
Động thái này diễn ra sau khi các cuộc biểu tình chống Nhật Bản diễn ra trên khoảng 85 thành phố ở Trung Quốc nhằm phản đối việc Nhật Bản trước đó tuyên bố sẽ quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà cả Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.
Tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một trong những vấn đề tồn đọng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong gần 7 thập kỷ sau khi Thế chiến II kết thúc. Căng thẳng về vấn đề này bắt đầu dâng cao vào hồi tháng 4 sau khi thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara thông báo quyên tiền mua lại đảo từ chủ sở hữu tư nhân người Nhật.
Nguồn Tổng hợp/Khampha