Brexit: Nước Anh có "dứt áo ra đi" với EU?
Ngày 23/6 tới đây, Vương quốc Anh sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc về việc có nên tiếp tục là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) hay đã đến lúc nên rời khỏi Liên minh này (còn gọi là kịch bản Brexit).
Dù kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này có như thế nào đi nữa, đây cũng sẽ là một sự kiện mang tính lịch sử không chỉ với nước Anh, mà còn với cả EU. Đây là lần đầu tiên có một nước thành viên EU tổ chức trưng cầu dân ý về việc có nên ở lại trong liên minh này, và nước Anh lại còn là một trong ba đầu tàu kinh tế lớn nhất cả khối (bên cạnh Pháp và Đức).
Hơn thế nữa, trong vai trò là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, các tác động của khả năng rời khỏi EU lên nền kinh tế Anh sớm muộn cũng sẽ có ảnh hưởng lên nhiều quốc gia khác. Chỉ trong đầu tuần qua, nhiều chỉ số chứng khoán châu Á đã sụt giảm 2-3% do lo lắng về Brexit, còn chỉ số ASX200 của Úc giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng qua.
Khảo sát và cá cược
Theo kết quả khảo sát mới nhất từ YouGov hôm 13/6, tỷ lệ người Anh lựa chọn Brexit đã lên tới 46%, so với 39% lựa chọn EU. Đây là một bước ngoặt 180 độ so với hồi tháng 2, khi mà 2 con số này lần lượt là 36% và 45%. Nhìn chung, kết quả trưng cầu dân ý sẽ phụ thuộc khá nhiều vào nhóm 11% người chưa quyết định được sẽ bỏ phiếu ra sao. Sang hôm 14/6, một khảo sát mới của TNS cũng cho thấy phía ủng hộ Brexit đang dẫn điểm 7% so với phía ủng hộ EU.
Cuộc khảo sát của YouGov, tương tự như nhiều cuộc khảo sát trước đó, cho thấy sự phân hóa sâu sắc trong xã hội Anh về mọi phương diện. Về mặt thế hệ, có tới 60% thanh niên độ tuổi 18-24 ủng hộ EU, trong khi hơn 55% số người trên 50 tuổi ủng hộ Brexit. Các vùng miền của vương quốc Anh cũng bất đồng quan điểm rõ rệt: trong khi đa số người dân ở thủ đô London và Scotland ủng hộ EU, thì hầu hết người dân ở các vùng còn lại chọn Brexit. Sau cùng, phần lớn những người có thu nhập từ mức trung lưu trở lên chọn EU, còn hầu hết tầng lớp thu nhập thấp và người thất nghiệp chọn Brexit.
Theo kết quả khảo sát mới nhất từ YouGov hôm 13/6, tỷ lệ người Anh lựa chọn Brexit đã lên tới 46%, so với 39% lựa chọn EU - Ảnh: volkskrant.nl |
Các dịch vụ cá cược nổi tiếng như William Hill hay Ladbrokes, vốn tập trung nhiều chuyên gia phân tích và thống kê hàng đầu của nước Anh, vẫn rất hoài nghi về khả năng xảy ra Brexit. Tỷ lệ cá cược mới nhất của William Hill và Ladbrokes cho Brexit là đặt 4 ăn 6, nghĩa là theo các nhà cái này thì xác suất Brexit là 40%.
Khi cảm xúc lấn át suy nghĩ?
Với những người ủng hộ Brexit, một nguyên nhân để rời khỏi EU là vì họ cảm thấy nước Anh đang bị kìm hãm quá nhiều bởi các luật lệ của liên minh này, cũng như phải đóng góp quá nhiều cho việc duy trì các hoạt động của EU. Một khẩu hiệu thường xuyên được những người này sử dụng là nước Anh hàng tuần phải đóng góp tới 350 triệu bảng cho EU, tương đương 19 tỷ bảng mỗi năm.
Tuy vậy, thực tế là nước Anh chỉ đóng 12,9 tỷ bảng cho EU trong năm ngoái. Nếu so với mức GDP gần 1.900 tỷ bảng của nước Anh, thì rõ ràng là nước này đang đóng góp cho EU thấp hơn nhiều so với mức 1% GDP theo quy định của liên minh này, thua cả Hy Lạp. Đó là chưa kể, nước Anh còn được nhận lại các khoản hỗ trợ gần 6 tỷ bảng từ EU, nghĩa là thực tế chi phí bỏ ra cho EU chỉ là khoảng 7 tỷ bảng mỗi năm. Nếu so sánh mức đóng góp dựa trên đầu người, nước Anh chỉ đứng thứ 8 trong EU, gần bằng 1/3 của Hà Lan và 1/2 của Đức.
Xem ra, trong vấn đề Brexit, nhiều người Anh đang để cho cảm xúc lấn át suy nghĩ. Theo khảo sát hôm 13/6 của tờ The Telegraph và ORB, đa số người Anh vẫn tin rằng việc ở lại EU sẽ có lợi hơn cho nền kinh tế và tạo ra nhiều việc làm hơn, cũng như giảm bớt nguy cơ khủng bố. Mặc dù vậy, tỷ lệ ủng hộ Brexit vẫn là 49%, so với 48% dành cho EU, trong cuộc khảo sát này.
Nhìn lại lịch sử, Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC), tiền thân của EU, được thành lập vào năm 1958, và sau đó nước Anh gia nhập EEC vào năm 1973. Trước khi gia nhập EEC thì tăng trưởng GDP của Anh thường xuyên thấp hơn 2% so với bình quân của 3 nước Pháp, Đức và Ý, nhưng sau khi gia nhập thì lại trở nên cao hơn tới 2%.
Theo nghiên cứu từ Liên hiệp Công nghiệp Anh (CBI), lợi ích từ tư cách thành viên EU đóng góp tới 4-5% GDP của nước Anh, tương đương 70-90 tỷ bảng Anh. Một công bố khác từ bộ phận nghiên cứu của tạp chí The Economist (EIU) thì cho thấy nếu Brexit xảy ra, GDP của nước Anh năm 2020 sẽ thiệt hại 6% so với ở lại trong EU, mất 106 tỷ bảng Anh. Ngoài ra, đồng bảng Anh cũng sẽ bị rớt giá 14-15% chỉ trong vòng một năm, và nước Anh sẽ đứng trước nguy cơ mất vị trí trung tâm tài chính toàn cầu. Tệ hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp sẽ chạm mức 6% trong năm 2018, do có 380.000 việc làm bị mất bởi Brexit.
Một nghiên cứu khác được tiến hành bởi công ty tư vấn Euler Hermes (EH) thì cho rằng, 3 nước EU bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Brexit sẽ là Hà Lan, Ireland và Bỉ do các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với nước Anh. Theo EH, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản tại 3 nước này sẽ tăng 1,5-2,5 điểm phần trăm nếu nước Anh không đạt được thỏa thuận FTA với EU sau Brexit.
Ngoài ra, EH cho rằng Pháp, Đức và Mỹ cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng đáng kể. Đức sẽ bị thiệt hại kim ngạch xuất khẩu 6,8 tỷ euro trong giai đoạn 2017-2019, riêng ngành công nghiệp ôtô thiệt hại 2 tỷ euro. Trong cùng kỳ, cả khối EU sẽ chịu thiệt hại xuất khẩu 23,5 tỷ euro nếu không có FTA với Anh, và ngay cả khi có FTA thì cũng thiệt hại 17,4 tỷ euro. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của nước Anh cũng sẽ chịu thiệt hại lên tới 30 tỷ bảng, tương đương 8%, còn GDP giảm khoảng 2,8-4,3%.
Một lý do khác mà nhiều người ủng hộ Brexit đưa ra là việc đang có quá nhiều công dân các nước EU khác sống và làm việc tại Anh, gây ảnh hưởng tới cơ hội việc làm và phúc lợi xã hội của họ. Các thống kê cho thấy có hơn 3 triệu công dân EU tại Anh, chiếm gần 5% dân số nước này. Theo khảo sát gần đây nhất, có tới 73% công dân EU nhập cảnh vào Anh là để nhận việc hoặc đi tìm việc. Tuy nhiên, cùng lúc đó cũng đang có tới 2,2 triệu người Anh sống ở các nước EU, trong đó chỉ riêng Tây Ban Nha đã có gần 800.000 người.
Đáng chú ý hơn nữa, nghiên cứu về các công dân EU nhập cư vào Anh đều cho thấy tỷ lệ người có bằng đại học trở lên trong số này luôn cao hơn người Anh, kể cả với những người đến từ các nước Đông Âu kém phát triển hơn. So với độ tuổi bình quân 40 của nước Anh, người nhập cư có tuổi bình quân 26-27, và điều này có nghĩa là họ đóng góp thuế nhiều hơn trong khi ít dùng tới các dịch vụ xã hội hơn. Một nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn 2010-2011, cứ 1 bảng Anh phúc lợi xã hội mà người nhập cư từ EU nhận được thì họ đóng góp lại tới 1,34 bảng, trong khi các công dân Anh chỉ đóng lại 0,89 bảng. Ngoài ra, trong giai đoạn 2013-2016, trong khi có thêm 700.000 việc làm được tạo ra cho người nhập cư EU thì cũng có thêm 1 triệu việc làm mới cho người Anh.
Tệ hơn nữa, vương quốc Anh có thể sẽ lại một lần nữa đối mặt với nguy cơ bị chia tách khỏi Scotland, vốn là khu vực có tỷ lệ ủng hộ EU rất cao. Nữ thủ tướng Nicola Sturgeon của Scotland đã cảnh báo vùng này có thể sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc đòi độc lập lần nữa, sau cuộc trưng cầu bất thành hồi năm 2014, nếu Brexit trở thành hiện thực.
Tuấn Minh
Nguồn Tổng hợp