Brexit làm giảm tăng trưởng của cả châu Âu
Việc đa số người dân Anh bỏ phiếu chọn việc rời EU (Brexit) hôm 23/6 là một sự kiện mang tính lịch sử và gây nhiều ảnh hưởng tài chính. Đồng bảng Anh đã sụt giá xuống mức thấp nhất hơn 30 năm qua, niềm tin của các nhà đầu tư bị thiệt hại nghiêm trọng, và nhiều người e ngại rằng London sẽ không còn là thủ đô tài chính của châu Âu. Giới kinh tế học đã dự đoán rằng GDP của nước Anh sẽ giảm tổng cộng 2% trong 2016 và 2017.
Theo một khảo sát mới đây nữa của Bloomberg, nhiều nhà kinh tế tin rằng các đối tác thương mại của nước Anh sẽ bị sụt giảm GDP trong vài năm tới. Nước bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là láng giềng “sát vách” Ireland, với thiệt hại 0,9% GDP trong năm nay và năm sau. Khu vực đồng euro, vốn có tổng kim ngạch thương mại 472 tỷ USD với nước Anh, cũng bị dự báo là sụt 0,5% tăng trưởng GDP.
Ireland, Hà Lan, Bỉ, Đức và Ý được dự đoán là bị giảm GDP nhiều nhất do ảnh hưởng Brexit. Ảnh: Bloomberg |
Đối tác thương mại lớn nhất của Anh là nước Đức được dự kiến là tăng trưởng 1,5% năm nay và 1,3% năm sau, giảm tổng cộng 0,5%. Brexit còn dẫn tới nỗi lo là sẽ có thêm nhiều cuộc trưng cầu dân ý tương tự tại các nước khác. Nhà chiến lược Ajay Rajadhyaksha nhận xét: “Chúng tôi tin rằng rủi ro này là rất thực. Nỗi lo ngại về làn sóng nhập cư và tình trạng hồi phục kinh tế chậm chạp có vẻ đã làm giảm đáng kể sự ủng hộ dành cho EU”. IMF đã nêu Brexit là một lý do khiến quỹ này giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu, với ghi chú là sự kiện này chủ yếu ảnh hưởng tới các nước châu Âu phát triển.
Dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 của các nước châu Âu phát triển đều giảm. Ảnh: Bloomberg |
Tại châu Á, ảnh hưởng của Brexit được xem là tương đối hạn chế. Dự báo tăng trưởng của Nhật Bản năm 2016 chỉ bị hạ 0,1%, còn đối tác thương mại lớn thứ 3 của Anh là Trung Quốc thì lại được dự báo tăng trưởng nhanh hơn. Theo dự báo gần đây nhất của ngân hàng Barclays, Trung Quốc sẽtăng trưởng 5,7% trong năm 2017, cao hơn so với mức 5,5% được đưa ra hồi tháng 6.
Tuấn Minh
Nguồn Bloomberg