Bóng ma khủng hoảng tài chính châu Á trở lại
Trung Quốc là ví dụ điển hình nhất cho việc dựa vào nợ để thúc đẩy tăng trưởng, và mô hình này đã được tái sử dụng khắp châu Á. Xuất khẩu chững lại, các ngân hàng trung ương mở van bơm tiền, khiến nợ doanh nghiệp và hộ gia đình tăng vọt.
Hiện tại khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cân nhắc ngừng chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo, châu Á phải đối mặt với thách thức mới: tương lai sau khi vay nợ quá mức, và khi nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy tác động từ nguy cơ này, bóng ma khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 trở lại.
“Nới lỏng định lượng dẫn đến bong bóng lạm phát tín dụng ở châu Á. Điều này đã xảy ra và hiện chúng ta phải giải quyết hệ quả. Quá trình này sẽ đòi hỏi nhiều mất mát. Các hộ gia đình sẽ phải bán tài sản. Và sẽ xảy ra tình trạng mất mát tài sản lớn”, Kevin Lai, kinh tế trưởng khu vực châu Á tại công ty chứng khoán Daiwa nhận định.
Những dư âm của khủng hoảng tài chính châu Á có thể dễ dàng cảm nhận được. Kể từ năm 2008, tăng trưởng tín dụng ở khu vực này tăng mạnh, kéo theo giá nhà đất tăng mạnh, kinh tế tăng trưởng bùng nổ, nhiều thương vụ kinh doanh lớn diễn ra. Theo số liệu của Dealogic, hồi tháng 4, Thái Lan chứng kiến cùng lúc thương vụ mua bán, sáp nhập và niêm yết cổ phiếu lớn chưa từng có.
Tuy nhiên, làn sóng tiền giá rẻ từ nước ngoài bắt đầu rút dần khỏi các nền kinh tế mới nổi ở khu vực. Giới phân tích cảnh báo, châu Á có thể đang ở giai đoạn đầu của một loạt cuộc khủng hoảng tiền tệ và tín dụng, không giống như những năm 1990. Đến nay, đáng chú ý nhất là Ấn Độ và Indonesia, hai quốc gia châu Á với thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất khiến họ phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn vốn từ bên ngoài. Nội tệ và thị trường cổ phiếu của 2 nước này đồng loạt lao dốc trong tuần qua. Hiệu ứng lan truyền tuy nhiên mới chỉ bắt đầu tăng khiến người ta đặt câu hỏi quốc gia châu Á nào sẽ là quân cờ domino tiếp theo.
Kinh tế Thái Lan bất ngờ suy thoái kỹ thuật trong quý II và hiện tại tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP tăng lên gần 80% từ 55% năm 2009, theo số liệu của HSBC. Malaysia cũng rơi vào tình trạng tương tự khi tỷ lệ nợ tăng mạnh do các chương trình thúc đẩy tiêu dùng và bùng nổ thị trường nhà đất.
Kinh tế trưởng của HSBC phụ trách khu vực châu Á nhận định, châu Á sẽ tăng trưởng chậm lại trong 2 năm tới và cần thực hiện các cải cách cơ cấu thay vì dựa vào nguồn tiền giá rẻ để tăng trưởng kinh tế mạnh bởi “cơ hội này nay đã hết”.
Tăng trưởng kinh tế các nước châu Á giảm có thể coi là bằng chứng cho thấy năng lực sản xuất giảm. Tín dụng tăng trưởng mạnh ở hầu hết châu Á Hong Kong tăng trưởng tín dụng gấp 3 lần kể từ năm 2007 trong khi Singapore tăng hơn 4 lần. Tuy nhiên, “nguồn tín dụng mới này sẽ chảy vào bất động sản mà đây không phải là lĩnh vực hiệu quả nhất do đó sẽ không mang lại giá trị mới cho hệ thống”, Jimmy Koh, trưởng bộ phận nghiên cứu tại United Overseas Bank ở Singapore nhận định.
Đối với các nhà hoạch định chính sách, tín dụng tăng, tăng trưởng kinh tế chững lại sẽ giảm dần lựa chọn chính sách của họ. Indonesia chọn cách tăng lãi suất để ngăn nội tệ mất giá trong khi Ấn Độ đưa ra hàng loạt biện pháp để ngăn đà lao dốc của đồng rupee. Tuy nhiên, đến nay cả 2 không đạt được kết quả như mong đợi.
Thị trường trái phiếu châu Á đã có những khởi sắc nhất định, các định chế tài chính từ quỹ đầu tư quốc gia đến ngân hàng trung ương đều đã hỗ trợ đáng kể cho hệ thống tài chính khi kinh tế châu Á hướng đến tiết kiệm hơn là chi tiêu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là châu Á có thể tránh được nguy cơ khủng hoảng mới.
Nguồn FT/Dân Việt