"Bóng đen" kinh tế ảm đạm khắp thị trường xuất khẩu toàn cầu
Trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm tác động đến thương mại của nhiều quốc gia, việc xuất hiện các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương thời gian qua được xem như một “cứu cánh”, mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động xuất khẩu của các nước. Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu cũng đang đối mặt với không ít thách thức.
Viễn cảnh kém lạc quan
Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng Sáu năm nay đã công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu 2015”. Theo đó, năm 2015 sẽ trở thành năm thứ tư liên tiếp kinh tế toàn cầu có mức tăng trưởng đáng thất vọng.
Tháng trước, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng hạ mức dự báo thương mại toàn cầu năm 2015 từ mức tăng 3,3% (dự báo hồi tháng Tư) xuống 2,8% và năm 2016 sẽ là 3,9%, giảm 0,1% so với dự báo trước đó.
Mới đây nhất, báo cáo “Triển vọng Kinh tế” vừa được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 9/11 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2015 xuống còn 2,9%, từ mức ước tăng 3% đưa ra hồi tháng Chín, do thương mại toàn cầu tăng yếu.
Nguyên nhân dẫn tới việc liên tiếp hạ các dự báo kể trên là bởi các yếu tố cơ bản như: nhu cầu nhập khẩu, nhất là tại các nước đang nổi như Brazil, Trung Quốc giảm sâu; giá nguyên liệu và dầu mỏ đồng loạt chạm các mức thấp lịch sử; cộng với việc biến động mạnh của tỷ giá chuyển đổi.
Kịch bản kém vui của kinh tế thế giới cũng khiến triển vọng của hoạt động xuất khẩu toàn cầu trong cả năm nay không mấy sáng sủa, nhất là khi nhiều nền kinh tế chủ chốt phải chứng kiến sự suy giảm trong lĩnh vực này ở giai đoạn đầu năm.
Xuất khẩu đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của Nhật Bản, bởi không chỉ tạo việc làm cho người lao động, xuất khẩu còn góp phần thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và hỗ trợ mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Tuy nhiên, dù đồng yen đã để mất 17% giá trị so với đồng USD trong hai năm qua, song chỉ mấy tháng gần đây xuất khẩu của Nhật Bản mới bắt đầu phát đi các tín hiệu khả quan, sau khi liên tụ̣c giảm mạnh trong quý I và quý II năm nay.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc công bố ngày 1/11 cho biết xuất khẩu của nước này trong tháng 10/2015 vừa qua chỉ đạt 43,47 tỷ USD, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 10 liên tiếp nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này ghi nhận tình trạng sụt giảm trong xuất khẩu và là mức giảm sâu nhất trong 6 năm qua.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 8/11, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 10/2015 đã giảm 3,6%, so với mức giảm 1,1% trong tháng Chín, còn kim ngạch nhập khẩu cũng giảm tháng thứ 12 liên tiếp.
Xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn do sự suy giảm nhu cầu tại các thị trường chủ chốt như EU và Nhật Bản. Ngoài ra, theo ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng về châu Á-Thái Bình Dương tại HIS Global Insight (Singapore), xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng bị ảnh hưởng do tăng trưởng kinh tế tại các thị trường mới nổi chậm lại.
Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID) cho biết kim ngạch xuất khẩu của khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong nửa đầu năm 2015 đã sụt giảm tới 10,9% so với cùng kỳ năm 2014. BID nhận định rằng hai nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm trên là do giá cả các mặt hàng nguyên liệu - kim ngạch xuất khẩu chủ yếu của khu vực - mất giá tới 37,1% trên thị trường quốc tế, cùng sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu chủ chốt các mặt hàng này của Mỹ Latinh.
Cơ hội lắm, thách thức nhiều
Mỹ, Nhật Bản và 10 quốc gia ven Thái Bình Dương khác (trong đó có Việt Nam) đã đạt thỏa thuận cuối cùng về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử, vào ngày 5/10 vừa qua.
TPP có thể giúp tạo điều kiện cho hoạt động thương mại tự do giữa Mỹ và Nhật Bản, các thành viên của hiệp định này, song đây cũng được coi là một thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc trong việc tranh giành thị trường Mỹ với Nhật Bản. Vì vậy, Trung Quốc đang tìm cách đạt được một thỏa thuận đầu tư song phương (BIT) với Mỹ để bù đắp.
Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc lại dẫn lời nhiều nhà quan sát cho rằng mặc dù Hàn Quốc đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 10 trong tổng số 12 nước thành viên TPP, trong đó có cả Mỹ, song hiệp định này có thể đẩy các mặt hàng xuất của Hàn Quốc vào thế bất lợi do phải đối phó với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ phía Nhật Bản. Cũng nhờ các FTA song phương mà năm 2014 kim ngạch xuất khẩu của Mỹ đã ghi dấu năm thứ năm tăng liên tiếp.
Trong lúc nỗ lực của Mỹ và châu Âu nhằm sớm đạt được Hiệp định thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) cũng được cho là sẽ tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho cả hai bên, bởi Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của châu Âu và châu Âu lại là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ.
Nói riêng về Việt Nam, giữa bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức hình thành vào ngày 31/12/2015, Việt Nam cũng đứng trước cơ hội lớn để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, tăng sức cạnh tranh, khả năng chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi cần có sự đầu tư, đổi mới nâng cao sức cạnh tranh để hội nhập.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo trong 5 năm tới, giá cả các mặt hàng sẽ tiếp tục xu hướng giảm hoặc chỉ tăng rất chậm, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung, giảm dòng vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất và do đó làm hạn chế tiềm năng tăng trưởng của các nền kinh tế trong tương lai.
IMF khuyến cáo chính phủ các nước phụ thuộc vào xuất khẩu cần tập trung cải tổ cơ cấu nhằm nâng cao năng suất trong các lĩnh vực hàng hóa, trong khi áp dụng một tỷ giá hối đoái linh hoạt. Ngoài ra, thắt chặt ngân sách chi tiêu để chuẩn bị tài chính cho khả năng giá các mặt hàng tiếp tục lao dốc cũng là biện pháp được các chuyên gia đề xuất.
Theo Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo, thế giới đang ngày càng gắn kết hơn bao giờ hết và ngày càng có nhiều các nước đang phát triển đang nỗ lực gia nhập vào các mạng lưới thương mại toàn cầu.
Nguồn Vietnam+