BoJ giữ nguyên chương trình QE bất chấp lạm phát yếu
Khép lại cuộc họp chính sách ngày 30/10, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn chưa có động thái điều chỉnh chương trình kích thích kinh tế bất chấp các số liệu lạm phát yếu công bố cùng ngày.
Trong thông cáo sau cuộc họp, BoJ cho biết sẽ giữ nguyên chương trình nới lỏng định lượng (QE) có quy mô kỷ lục 80.000 tỷ yen (665 tỷ USD) mỗi năm.
Trong báo cáo cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản cho biết Chỉ số giá tiêu dùng tháng Chín giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hồi tháng Tám, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã lần đầu tiên ghi nhận lạm phát cơ bản (không tính giá thực phẩm tươi sống) giảm kể từ năm 2013.
Chi tiêu của hộ gia đình Nhật Bản cũng yếu đi trong tháng 9/2015, đây là dấu hiệu cho thấy những nỗ lực của chính phủ nước này nhằm vực dậy “tâm lý giảm phát” – tâm lý thắt chặt chi tiêu, đang gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo khác công bố ngày 29/10 cho thấy sản lượng công nghiệp của Nhật Bản bất ngờ phục hồi khả quan hơn dự kiến trong tháng Chín, làm dịu đi những ý kiến cho rằng BoJ sẽ mở rộng chương trình nới lỏng tiền tệ.
Tuy nhiên, số liệu lạm phát trên khiến thị trường tập trung sự chú ý vào phát biểu của Thống đốc Haruhiko Kuroda sau cuộc họp chính sách. BoJ đã hạ dự báo tăng trưởng trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2016 xuống 1,2% từ mức 1,7% đưa ra trước đó.
BoJ cũng lùi thời hạn đạt mục tiêu lạm phát 2% vào nửa sau của tài khóa kết thúc vào tháng 3/2017, chậm hơn 6 tháng so với dự tính trước đó.
Các tác động của chương trình nới lỏng định lượng là một nền tảng trong chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe, còn được gọi là Abenomics, đã có những ảnh hưởng tích cực ban đầu khi giúp đồng yen yếu đi và thị trường chứng khoán khởi sắc.
Tuy nhiên, đến nay nhu cầu nội địa ảm đạm cùng với giá năng lượng thấp đã lấn át những tác động tích cực trên.
Nguồn Vietnam+