Thứ Hai | 03/11/2014 20:05

BOJ châm ngòi chiến tranh tiền tệ

Quyết định tăng cường quy mô kích thích của ngân hàng trung ương Nhật Bản đã dấy lên nguy cơ về chiến tranh tiền tệ giữa các nền kinh tế định hướng xuất khẩu.

Ngày 31/10, thị trường tài chính Nhật Bản hỗn loạn sau khi BOJ cho biết sẽ mở rộng quy mô chương trình mua các quỹ ETF, quỹ đầu tư tín thác bất động sản cũng như kéo dài thời hạn của danh mục đầu tư vào trái phiếu chính phủ Nhật Bản và tăng cung tiền lên 80 nghìn tỷ yên/năm. Ngay sau thông báo này, yên đã giảm gần 3% so với USD và tiếp tục bị bán tháo trong ngày 3/11, trượt xuống thấp nhất 7 năm ở 112,71 yên trong những giờ giao dịch đầu tiên tại châu Á.

Việc yên lao dốc thảm hại ngay sau quyết sách của ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đang đe dọa đến sức cạnh tranh giữa các nền kinh tế bị chi phối bởi xuất khẩu, theo nhận định của các chiến lược gia.

Mặc dù đã bị Trung Quốc soán ngôi là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng Nhật Bản vẫn là một trong những kho cung ứng hàng hóa sản xuất lớn của thế giới. Yên suy yếu đồng nghĩa rằng, giá xuất khẩu ôtô và sản phẩm điện tử sẽ giảm theo, từ đó tạo áp lực cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác cũng như buộc các nhà hoạch định chính sách phải can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Cuộc chiến giữa yên và won (Hàn Quốc)
 
Đây được xem là một trong những cuộc chiến tiền tệ "nóng" nhất vào thời điểm hiện tại. Tỷ giá yên - won rất nhạy cảm với các tin tức bởi Nhật Bản và Hàn Quốc ganh đua nhau rất gay gắt ở hầu hết các lĩnh vực chính. Theo dự đoán của các chuyên gia, động thái của BOJ có thể sẽ khiến ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) can thiệp vào thị trường ngoại hối hoặc cắt giảm lãi suất để kiềm chế đồng won trong bối cảnh xuất khẩu đang mất dần đà tăng trưởng.  

 

Chuyên gia kinh tế Young Sun Kwon tại Nomura cho rằng, rất có thể BOK sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản xuống 1,75% trong những tháng tới. Xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 10 sau khi đã tăng 6,9% hồi tháng 9, theo số liệu của Bộ Thương mại.

Các cơ quan quản lý Hàn Quốc cũng đã lên tiếng cảnh báo về ảnh hưởng tiêu cực từ đà trượt giá nhanh chóng của yên. Cuối tháng 10, Tổng thống Park Geun-hye cho biết, tăng trưởng kinh tế chậm chạp, lạm phát thấp, và yên suy yếu là 3 rủi ro chính đối với nền kinh tế và khối doanh nghiệp Hàn Quốc.

Yên đã giảm gần 20% so với won kể từ khi BOJ triển khai chương trình kích thích chưa từng thấy hồi tháng 4/2013 đến nay.

Cuộc chiến giữa yên và các đồng tiền châu Á khác

Các nước xuất khẩu khác của châu Á, như Đài Loan hay Trung Quốc có thể cũng can thiệp để kìm hãm đà tăng của nội tệ trước tình hình yên trượt giá mạnh. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, yên trượt giá không phải là mối đe dọa đối với nhân dân tệ của Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có lẽ sẽ để tâm hơn nếu đó là đồng baht của Thái Lan hay Việt Nam đồng của Việt Nam.

Trên thực tế, không chỉ nhằm kích thích kinh tế tăng trưởng, động thái của BOJ thậm chí có thể giúp Nhật Bản "xuất khẩu" giảm phát ra nước ngoài, nói cách khác là phục hồi lại áp lực lạm phát cho nền kinh tế. Trước đây, BOJ từng có những động thái tương tự khi yên giảm 30% so với USD ngay sau đợt triển khai gói kích thích Abenomics vào mùa thu năm 2012.

Nguồn: CNBC, Wall Street Journal