Ảnh: SCMP

 
Vũ Hạo Thứ Sáu | 14/02/2020 18:37

Boeing nhắm đến Việt Nam để thu hút đơn đặt hàng máy bay giữa lúc ngành hàng không lao đao vì dịch Covid-19

Boeing nhắm đến Việt Nam để thu hút đơn đặt hàng máy bay để tăng doanh số bán máy bay.

“Đây là một thị trường mạnh và đang phát triển với tốc độ rất, rất nhanh. Có rất nhiều cơ hội, và rõ ràng, rất nhiều hoạt động xung quanh các hãng hàng không giá rẻ ở Việt Nam”, ông Randy Tinseth, Phó Chủ tịch tiếp thị của Boeing Commercial Airplanes, cho biết trong cuộc họp báo về triển vọng thị trường vào ngày thứ Hai (10/02). “Như có thể thấy, chúng tôi ngày càng quan tâm hơn đến chuyến bay đường dài”.

Hãng hàng không có trụ sở ở Chicago này đã và đang tìm cách đạt được những bước tiến ở Việt Nam. Chỉ trong tuần trước, hãng đã quảng bá chiếc máy bay lớn nhất và mới nhất (đang trong quá trình phát triển), Boeing 777X, cho Bamboo Airways của Việt Nam.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Boeing triển khai chiến lược nhằm nhắm vào các nền kinh tế Đông Nam Á. Theo Boeing, tăng trưởng của Việt Nam về sức chứa chỗ ngoài là khoảng 15% trong thập kỷ qua, trong khi Indonesia ghi nhận mức tăng trưởng gần 10%.

Tăng trưởng du lịch hàng không của Đông Nam Á có thể đạt mức 7,1% trong hai thập kỷ tới, cao hơn nhiều so với mức 2,8% của châu Âu, Boeing cho biết.

Ông Randy Tinseth lưu ý đến cách Việt Nam, Indonesia và Thái Lan nằm trong top 10 thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.

“Với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, trong một thị trường tiếp tục được tự do hóa cùng với lĩnh vực du lịch nội địa, khu vực và quốc tế mạnh mẽ, Đông Nam Á đã trở thành một trong những thị trường hàng không lớn nhất thế giới”, ông Tinseth cho biết.

Tại sao thị trường Đông Nam Á lại thay đổi nhiều đến vậy? Một lý do ở đây là vì sự trỗi dậy của các hãng hàng không giá rẻ - một thị trường mà ông Tinseth cho là đang chủ yếu sử dụng máy bay thân rộng từ 10 năm trước.

Các hãng hàng không giá rẻ có thể cung cấp dịch vụ cho những người không có khả năng đi máy bay trong quá khứ, ông nói.

Để đáp ứng nhu cầu du lịch tăng vọt, ông Tinseth cho rằng các hãng hàng không tại khu vực sẽ cần 4.500 máy bay mới trong hai thập kỷ tới và giá trị số đơn đặt hàng mới dự kiến sẽ tăng lên 710 tỷ USD.

Mặc cho triển vọng lạc quan, ông Tinseth lưu ý rằng vẫn còn đó một vài yếu tố có thể tác động đến thị trường.

Nền kinh tế toàn cầu là một yếu tố trong số đó, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng cũng có một sự thay đổi trong môi trường địa chính trị trong những năm gần đây.

“Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã tập trung vào việc giảm bớt quy định và toàn cầu hóa, và xu hướng đó đã bị đảo ngược ở một số thị trường tại thời điểm này. Và câu hỏi ở đây là liệu chúng ta sẽ tiếp tục thấy kiểu giảm bớt quy định mà chúng ta đã thấy trong quá khứ hay không”, ông nói. “Hôm nay, chúng tôi phải đối mặt với một trong những cú sốc ngoại sinh đó, những điều mà bạn không thể lên kế hoạch nhưng vẫn phải chuẩn bị sẵn sàng bằng một cách nào đó”.

Triển vọng này được đưa ra khi Boeing vật lộn với lượng đơn đặt hàng máy bay tương đối thấp trong năm qua, sau khi chiếc máy bay phản lực bán chạy nhất của Boeing, 737 MAX, đã bị cấm bay sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng. Các vụ tai nạn liên quan đến các chuyến bay của Lion Air và Ethiopia Air đã giết chết hơn 300 người.

Boeing chưa nhận được bất kỳ đơn đặt hàng máy bay mới nào vào tháng 1/2020 – lần đầu tiên kể từ năm 1962, Boeing mới rơi vào tình cảnh này, theo nguồn tin của Reuters.

Hãng hàng không giá rẻ VietJet Air cũng có đơn hàng trị giá 25 tỷ USD cho 200 máy bay Boeing 737 MAX – vốn bị đặt vào diện nghi ngờ.

Nguồn: SCMP
Nguồn: SCMP

Mô tả năm 2019 là một năm “rất khó khăn, rất khó khăn”, ông Tinseth cho biết rằng Boeing đang làm việc với hơn 40 cơ quan quản lý trên toàn thế giới.

“Chúng tôi hy vọng dòng 737 MAX sẽ được phép hoạt động trở lại vào giữa năm nay. Nhưng từ giờ trở đi, chúng tôi có rất nhiều việc phải làm với chính quyền”, ông nói, và thêm rằng công ty hy vọng sẽ có được 400 máy bay hoạt động trở lại.

“Đây là một quá trình sẽ mất thời gian, sẽ không đạt được chỉ trong một vài tuần hoặc vài tháng, nhưng rõ ràng, để cung cấp tất cả chiếc máy bay này và để đưa tất cả các máy bay trở lại hoạt động, Boeing sẽ mất vài quý”.

Năm nay, Boeing cũng có khởi đầu khó khăn, ông Tinseth cho biết, đề cập đến sự bùng phát của virus corona từ thành phố Trung Quốc Vũ Hán.

Tại một cuộc họp báo khác, Ihssane Mounir, Phó Chủ tịch cấp cao về tiếp thị và kinh doanh thương mại toàn cầu của Boeing, cho biết tác động của đợt bùng phát sẽ thể hiện trên toàn khu vực.

“Một số hãng hàng không toàn cầu đã hạn chế những chuyến bay vào và ra khỏi Trung Quốc”, ông nói. “Nó sẽ tác động đến nền kinh tế, doanh thu, đến các hãng hàng không đó và cả các quốc gia đó”.

“Nếu nhìn vào lịch sử, mọi thứ dường như đang được kiểm soát tốt hơn so với đợt dịch SARS trong năm 2003”, ông nói. “Tôi nghĩ đợt hồi phục sẽ diễn ra một cách có trật tự hơn. Quá trình này sẽ hiệu quả hơn so với năm 2003. Tôi vẫn còn lạc quan lắm”.

Nguồn SCMP