Thứ Năm | 08/11/2012 17:01

Bờ vực tài khóa Mỹ là gì?

"Bờ vực tài khóa" là thuật ngữ được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ thực chất ý nghĩa của nó.
Theo giải thích của các chuyên gia kinh tế, "bờ vực tài khóa" (fiscal clift) là một thuật ngữ khá phổ biến, được sử dụng để mô tả các vấn đề nan giải mà chính phủ Mỹ sẽ phải đối mặt vào cuối năm 2012 - thời điểm các điều khoản của Đạo luật kiểm soát ngân sách trong năm 2011 chính thức có hiệu lực.

Những thay đổi sẽ diễn ra vào nửa đêm ngày 31/12/2012 bao gồm, chấm dứt cắt giảm thuế lương và tăng thuế đối với người lao động lên 2%. Ngoài ra, điều luật giảm thuế cho các doanh nghiệp sẽ chấm dứt. Các điều luật cắt giảm thuế được áp dụng trong giai đoạn 2001-2003 cũng được hủy bỏ, trong khi đó các loại thuế liên quan đến luật chăm sóc y tế của tổng thống Barack Obama bắt đầu được áp dụng.

Chương trình tăng thuế và giảm chi tiêu của tổng thống Barack Obama sẽ khiến nước Mỹ đối mặt với vách đá tài chính?
Chương trình tăng thuế và giảm chi tiêu của tổng thống Barack Obama sẽ khiến nước Mỹ đối mặt với vách đá tài khóa?

Cũng trong đêm 31/12, chương trình cắt giảm chi tiêu của chính quyền tổng thống Obama - một phần trong thỏa thuận nâng trần nợ trong năm 2011 - cũng bắt đầu có hiệu lực. Theo tờ Barron's, khi hoạt động cắt giảm chi tiêu được thực hiện, sẽ có hơn 1.000 chương trình của chính phủ - bao gồm cả ngân sách quốc phòng và chăm sóc y tế - sẽ nằm trong diện bị cắt giảm mạnh.

Để đối phó với bờ vực tài khóa, các nhà lập pháp Mỹ phải lựa chọn một trong ba phương án sau:

Thứ nhất, để mặc cho những chính sách hiện hành dự kiến áp dụng vào đầu năm 2013 có hiệu lực. Lựa chọn này có ưu điểm là sẽ giúp kinh tế Mỹ giảm một nửa thâm hụt ngân sách, song nhược điểm là sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới tăng trưởng và có khả năng đẩy nước Mỹ rơi vào suy thoái.

Đối với phương án thứ 2, các nhà lập pháp Mỹ có thể hủy bỏ một số hoặc tất cả các dự kiến tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, lựa chọn này sẽ khiến thâm hụt ngân sách tăng, đồng thời làm phát sinh thêm những khó khăn và khiến nước Mỹ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tương tự châu Âu. Mặt khác, núi nợ của Mỹ cũng tiếp tục tăng nếu các nhà lập pháp lựa chọn phương án này.

Ở phương án cuối cùng, các nhà lập pháp có thể lựa chọn một cách tiếp cận mang tính trung hòa, trong đó có thể giải quyết các vấn đề về ngân sách ở mức độ hạn chế, song có tác động khiêm tốn hơn tới tăng trưởng kinh tế.

Liệu các nhà lập pháp Mỹ có thể thỏa hiệp?

Theo các nhà phân tích, bờ vực tài khóa trở thành mối lo ngại đặc biệt đối với các nhà đầu tư chủ yếu là do tính chất đảng phái trong môi trường chính trị ngày nay khiến việc đạt được thỏa hiệp trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, bờ vực tài khóa cũng không phải là một vấn đề mới bởi các nhà lập pháp Mỹ có tới 3 năm để giải quyết vấn đề, song Quốc hội Mỹ chỉ tập trung vào tìm kiếm một giải pháp thay vì tìm cách giải quyết trực tiếp.

Những bế tắc chính trị có thể khiến kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Những bế tắc chính trị có thể khiến kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Đảng Cộng hòa muốn cắt giảm chi tiêu và tránh tăng thuế, trong khi đảng Dân chủ tìm cách kết hợp cả cắt giảm lẫn tăng thuế. Mặc dù cả hai đảng đều muốn tránh bờ vực tài khóa, song việc đạt được một thỏa hiệp làm thỏa mãn cả hai xem ra rất khó đạt được, và điều đó thể hiện rất rõ trong năm 2012. Kết quả là, tình trạng bế tắc đó vẫn tiếp tục kéo dài, ít nhất là cho tới sau bầu cử Mỹ.

Các nhà phân tích nhận định nhiều khả năng những bế tắc chính trị giữa hai đảng sẽ khiến việc thay đổi chính sách tài chính lâu dài của chính phủ Mỹ kéo dài đến tận năm 2013 hoặc lâu hơn nữa. Mặc dù vậy, việc tổng thống Obama tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm nay sẽ có tác động mang tính bước ngoặt đối với đường hướng thay đổi của chính sách trong tương lai, đặc biết nếu đảng của ông giành được chiến thắng quyết định.

Tuy nhiên, Văn phòng ngân sách quốc hội Mỹ (CBO) cho rằng nếu quốc hội lựa chọn phương án mở rộng các điều luật cắt giảm thuế dưới thời tổng thống Bush kết hợp với cắt giảm chi tiêu, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng khiêm tốn và cũng không gặp phải tác động nào quá lớn.

Những ảnh hưởng của "bờ vực tài khóa"

Nếu chương trình tăng thuế và cắt giảm chi tiêu có hiệu lực vào năm 2013, ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế có thể sẽ vô cùng nặng nề. Dù việc tăng thuế và giảm chi tiêu có thể giúp chính phủ Mỹ giảm thâm hụt khoảng 560 tỷ USD, song CBO ước tính rằng chương trình này cũng sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ giảm gần 4% trong năm 2013, đồng nghĩa kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái do tăng trưởng âm.

Bên cạnh đó, chương trình cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng gần 1%, đồng nghĩa nước Mỹ sẽ mất thêm 2 triệu việc làm.

Một bài báo đăng tải trên tờ Wall Street Journal ngày 16/5 đã ước tính tác động của chương trình tăng thuế giảm chi tiêu đối với kinh tế Mỹ như sau: "Việc chấm dứt chương trình giảm thuế thời tổng thống Bush của chính quyền Obama sẽ khiến kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 280 tỷ USD. Bên cạnh đó, việc hủy bỏ điều luật giảm thuế lương sẽ khiến nước Mỹ thiệt hại thêm 125 triệu USD. Ngoài ra, ước tính ngân sách Mỹ sẽ mất thêm 40 triệu USD vì chấm dứt chương trình trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp, 98 tỷ USD từ chương trình cắt giảm chi tiêu. Tổng cộng, GDP Mỹ sẽ giảm 3,5% vì chương trình tăng thuế và cắt giảm chi tiêu".

Bài báo còn nhận định, trong bối cảnh quá trình phục hồi diễn ra chậm chạp trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức cao, kinh tế Mỹ không đủ khả năng chịu đựng một cú sốc lớn như vậy.

Hơn thế nữa, sự chần chừ của các nhà lập pháp Mỹ cũng gây ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ, thậm chí ngay cả khi năm 2013 vẫn chưa bắt đầu. CBO cảnh báo sự thiếu quyết đoán của quốc hội sẽ khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp thay đổi thói quen chi tiêu, và hệ quả là GDP Mỹ sẽ giảm 0,5% trong nửa cuối năm 2012.

Nguồn Bonds/Khampha


Sự kiện