Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp từ chức
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis hôm thứ Hai 6/7 đã tuyên bố từ chức, dỡ bỏ rào cản chính đối với thỏa thuận phút chót nhằm giữ Athens ở lại khu vực đồng euro sau khi người dân Hy Lạp bỏ phiếu bác bỏ các điều khoản thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ đưa ra.
Ông Yanis Varoufakis, tự nhận mình là nhà kinh tế học “Marxist thất thường”, đã tham gia vận động người dân Hy Lạp bỏ phiếu “Không” và liên tục lên tiếng chỉ trích các chủ nợ.
Trong blog cá nhân của mình, ông Yanis Varoufakis viết “Ngay sau khi công bố kết quả trưng cầu dân ý, tôi nhận thấy một số quan chức châu Âu và ‘đối tác’ muốn có ‘sự vắng mặt’ của tôi trong các phiên họp: Một ý tưởng giúp ích cho Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trong việc đạt được một thỏa thuận. Vì lý do này, hôm nay 6/7, tôi từ bỏ cương vị Bộ trưởng Tài chính”.
“Tôi coi việc giúp đỡ Thủ tướng Alexis Tsipras là bổn phận khi ngài Thủ tướng nhận được những điều tuyệt vời mà người dân Hy Lạp đã dành cho chúng tôi trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 5/7”.
“Tôi chấp nhận sự ghét bỏ của các chủ nợ với niềm kiêu hãnh”.
“Tôi sẽ tiếp tục ủng hộ Thủ tướng Tsipras, tân Bộ trưởng Tài chính và chính phủ”.
Người thay thế ông Varoufakis đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Tài chính có thể là trưởng đoàn đàm phán với các chủ nợ, Euclid Tsakalotos, một quan chức chính phủ Hy Lạp cho biết. Việc bổ nhiệm tân Bộ trưởng Tài chính dự định diễn ra sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo Hy Lạp trong hôm thứ Hai 6/7.
Trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 5/7, có đến 62% số cử tri ủng hộ Thủ tướng Alexis Tsipras và Đảng Syriza bằng việc bỏ phiếu “Không” với đề xuất mới nhất về việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế, trong khi chỉ có 38% cử tri nói “Có”, theo kết quả của Bộ Nội vụ Hy Lạp.
Tuần trước, ông Varoufakis tuyên bố sẽ từ chức nếu người Hy Lạp nói “Có” trong cuộc trưng cầu dân ý. Giờ đây, các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế sẽ khởi động lại với vị thế mới của Hy Lạp.
Cũng trên blog cá nhân, ông Varoufakis nói rằng bằng việc bỏ phiếu “Không” (Oxi), người Hy Lạp đã dạy cho châu Âu một bài học về dân chủ và giờ đây có thể yêu cầu những điều khoản cứu trợ tài chính tốt hơn.
Trong khi đó, các quan chức châu Âu cho biết, họ khó có thể trao cho Hy Lạp những điều khoản dễ dàng hơn vì kinh tế Hy Lạp đã rơi vào suy thoái.
Giới phân tích và nhiều ngân hàng lớn, kể cả Citi, Barclay’s và J.P. Morgan, đều cho rằng khả năng Hy Lạp phải rời khỏi eurozone (Grexit) đã tăng lên rất cao.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg/Reuters