Bộ trưởng tài chính Eurozone bàn lập liên minh ngân hàng
Hội nghị đã thông qua lần cuối gói cứu trợ dành cho Cộng hòa Síp cũng như nhất trí kéo dài thời hạn thanh toán các gói cứu trợ của một số nước thành viên, đồng thời tiếp tục thảo luận về vấn đề thành lập liên minh ngân hàng.
Kết thúc ngày họp đầu tiên, Hội nghị đã thông qua lần cuối gói cứu trợ dành cho Cộng hòa Síp giữa lúc có những thông tin nói rằng quốc đảo vùng Địa Trung Hải này cần nhiều tiền cứu trợ hơn dự tính ban đầu.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro, cho biết các bộ trưởng đã hoan nghênh thỏa thuận cấp chuyên viên đã đạt được giữa Síp và “bộ ba” chủ nợ quốc tế, gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong đó các điều khoản hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận cứu trợ đã đạt được hôm 25/3.
Các bộ trưởng tài chính cũng bày tỏ sự hài lòng về những nỗ lực mà Chính phủ Síp đã thực hiện nhằm giải cứu khu vực tài chính của nước này, đồng thời tin tưởng thỏa thuận cứu trợ của quốc tế sẽ giúp Síp trở lại lộ trình tăng trưởng kinh tế bền vững.
Trước đó, Cộng hòa Síp cũng đã yêu cầu tăng chi phí cứu trợ nước này từ mức nhất trí hồi tháng trước là 17 tỷ euro lên mức 23 tỷ euro. Cộng hòa Síp cho rằng cần phải tăng thêm 6 tỷ euro chi phí cứu trợ để nước này có thể thực hiện những cải cách triệt để đối với khu vực ngân hàng.
Theo các nhà phân tích, sự gia tăng chi phí của gói cứu trợ đồng nghĩa với việc Cộng hòa Síp sẽ phải đối mặt với những thách thức mới rất lớn.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau ngày họp đầu tiên của các Bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro, Ủy viên phụ trách vấn đề kinh tế và tiền tệ của Liên minh châu Âu Olli Rehn bày tỏ lo ngại về triển vọng phục hồi của nền kinh tế Síp trong 2 năm tới: “Chúng tôi đang xem xét lại dự báo tăng trưởng kinh tế của Síp. Tôi cho rằng vẫn còn nhiều bất ổn và chưa chắc chắn về sự phục hồi của kinh tế tại Síp trong thời gian tới”.
Liên quan gói cứu trợ dành cho Bồ Đào Nha và Ireland, Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro Jeroen Dijsselbloem cho biết, các Bộ trưởng Tài chính đã nhất trí gia hạn cho hai nước thành viên này thêm 7 năm để trả các khoản vay cứu trợ tài chính. Đây là một bước đi quan trọng nhằm hướng tới sự phục hồi đầy đủ của các thị trường tài chính đối với Ireland và Bồ Đào Nha.
Cũng tại hội nghị này, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro sẽ tập trung thảo luận về việc thành lập một liên minh ngân hàng trong khu vực. Việc thành lập liên minh ngân hàng liên quan nhiều vấn đề cần giải quyết, như cách thức giám sát các ngân hàng yếu kém, đặt ra một cơ chế bảo đảm tiền gửi độc lập cũng như việc thiết lập một quỹ độc lập giải quyết các vấn đề nảy sinh trong hệ thống ngân hàng.
Tại hội nghị lần này, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro sẽ chưa thể đưa ra các quyết định cuối cùng về việc thành lập một liên minh ngân hàng, tuy nhiên, ông Olli Rehn cho biết, Ủy ban châu Âu mong muốn sớm thực hiện ý tưởng này.
“Cần tăng cường sự ổn định của hệ thống tài chính thông qua việc giảm bớt tính độc lập của các ngân hàng,” ông Olli Rehn nói. “Ủy ban châu Âu tin tưởng việc thành lập liên minh ngân hàng sẽ được thực hiện càng sớm càng tốt”.
Theo đề án thành lập liên minh ngân hàng đã được các nhà lãnh đạo châu Âu nhất trí, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ là cơ quan giám sát tài chính đối với 6.000 ngân hàng của khu vực.
Quyết định này là nỗ lực của EU nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ vốn đang làm suy yếu các ngân hàng trong khu vực.
Liên minh ngân hàng được cho là “giải pháp cuối cùng” để có thể cứu EU ra khỏi khủng hoảng.
Liên minh này, nếu thành công, sẽ cho thấy sự đoàn kết để có được sức mạnh kinh tế của châu lục này. Tuy nhiên, để đi đến quyết định cuối cùng về vấn đề này, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ gặp không ít khó khăn do còn nhiều bất đồng giữa các nước thành viên.
Nguồn VOV