Bồ Đào Nha thành tâm điểm khủng hoảng tiếp theo của châu Âu
Thị trường giờ đây chắc chắn đang dồn hết sự chú ý vào tương lai kinh tế trong ngắn hạn của Hy Lạp và Bồ Đào Nha, báo cáo của các nhà kinh tế trong nhóm nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Citigroup cho biết.
Theo Citigroup, kinh tế Bồ Đào Nha đang thu hẹp lại giống như Hy Lạp. Các nhà kinh tế nhận định nhiều khả năng Bồ Đào Nha có thể phải cầu cứu tới gói cứu trợ mở rộng bất chấp thực tế rằng chính phủ đang nghiêm túc cắt giảm chi tiêu và siêng năng thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt của nhóm Tam hùng - bao gồm Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu (EC).
Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng, không giống như Hy Lạp - quốc gia có thể rời khu vực đồng euro (eurozone) ngay trong tháng 9 này, nguy cơ Bồ Đào Nha rời khối đồng tiền chung châu Âu là rất nhỏ. Thay vào đó, Bồ Đào Nha có thể phải đối mặt với tình trạng rút vốn khỏi hệ thống ngân hàng và sự suy giảm niềm tin tiêu dùng, thương mại và đầu tư nước ngoài nếu Hy Lạp ra đi.
Báo cáo cho rằng GDP của Bồ Đào Nha trong năm 2012 và 2013 sẽ giảm sâu hơn mặt bằng chung. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng sẽ không đạt được mục tiêu thâm hụt ngân sách trong năm nay (4,5%), dù nửa đầu năm 2012 chính phủ Bồ Đào Nha đã hoàn thành mục tiêu này.
Các nhà nghiên cứu tại Citi lưu ý rằng mặc dù chi tiêu chính phủ đã giảm, doanh thu thuế của Bồ Đào Nha đã yếu đi nhiều so với dự kiến, và quốc gia này vẫn tiếp tục trong tình trạng suy thoái đến hết năm 2014.
Mặc dù Bồ Đào Nha đã hoàn thành hầu hết các cam kết của mình trong chương bình thắt lưng buộc bụng do nhóm Tam hùng đề xướng, song nó lại khiến cho hệ thống tài chính của Bồ Đào Nha khó có thể duy trì sự ổn định. Nhiều khả năng Bồ Đào Nha sẽ buộc phải yêu cầu tái cơ cấu nợ.
Kinh tế thu hẹp đồng nghĩa Bồ Đào Nha đang đứng trước áp lực phải cầu tới phần mở rộng của gói giải cứu hiện tại, hoặc một gói giải cứu thứ hai từ Tam hùng, số phận tương tự Hy Lạp.
Kịch bản này cũng là liều thuốc thử cho sự đoàn kết của các quốc gia chủ nợ eurozone, Citi cho biết. Nếu Hy Lạp rời eurozone trong tháng 9, các nhà kinh tế của Citi hy vọng rằng Bồ Đào Nha vẫn có thể tái đàm phán chương trình thắt lưng buộc bụng và giữ được vị trí trong khối đồng tiền chung duy nhất của châu Âu. Tuy nhiên, tương lai sẽ không mấy sáng sủa cho Bồ Đào Nha, hay thậm chí là bản thân eurozone.
"Nếu Bồ Đào Nha bị buộc phải rời eurozone vì không đáp ứng được mục tiêu thâm hụt ngân sách mặc dù đã nghiêm túc cải cách cơ cấu kinh tế và thắt lưng buộc bụng, điều đó cho thấy các chủ nợ eurozone chưa sẵn sàng cứu giúp các quốc gia ngoại vi noi chung", báo cáo kết luận, "điều đó rốt cuộc sẽ đưa eurozone tới những khó khăn lớn hơn và không thể tháo gỡ".
Nguồn CNBC/Khampha