Thứ Năm | 05/04/2012 06:18

Bồ Đào Nha sẽ ra khỏi khu vực đồng euro?

Các chính trị gia nước ngoài và các nhà kinh tế dự đoán Bồ Đào Nha, cũng như Hy Lạp sẽ phải chọn giải pháp ra khỏi khu vực đồng euro (Eurozone).
Chính phủ Bồ Đào Nha cho rằng việc duy trì các biện pháp thắt lưng buộc bụng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ cho phép nước này quay trở lại thị trường tín dụng vào năm 2013. Tuy nhiên, các dự báo gần đây gần như đã bác bỏ kỳ vọng này.

Theo Ernst & Young, nếu tỷ lệ lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm không giảm xuống ít nhất 8% (từ mức 13,7% như hiện nay) trong 18 tháng tới, Bồ Đào Nha sẽ không thể thuyết phục các ngân hàng tiếp tục cho vay.

Các chuyên gia từ Ernst & Young cho rằng việc giảm lãi suất như vậy sẽ không thể xảy ra vì Bồ Đào Nha không có nhiều tiến bộ trong việc củng cố hệ thống tài chính công và cải thiện khả năng cạnh tranh.
 
Nhận định này của công ty tư vấn được Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha xác nhận trong bản dự báo phát triển kinh tế 2012 – 2013 được công bố hôm 29/3.

Dự báo cho thấy nhu cầu nội địa của Bồ Đào Nha vào năm 2012 sẽ giảm 7,3% và đầu tư tư nhân sẽ giảm 12%.

Về trả nợ nước ngoài, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu Bồ Đào Nha phải giảm số nợ chiếm khoảng 4-6% GDP.

Thực tế, Bồ Đào Nha chỉ có thể đảm bảo trả được khoản nợ tương đương 2,4% GDP thông qua các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, nhưng nhiều chuyên gia Bồ Đào Nha cho rằng nước này khó có thể tiếp tục thi hành chính sách này.

Cuộc đình công thu hút 300.000 người diễn ra vào ngày 23/3 tại Lisbon cho thấy nước này đang trên bờ vực của khủng hoảng xã hội. Các chính sách thắt lưng buộc bụng đã dẫn đến việc giảm mạnh thu nhập cùng với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Khoảng cách giàu nghèo ở nước này ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cuối năm 2011, 20% người giàu nhất ở Bồ Đào Nha có mức thu nhập gấp 6 lần so với 20% người nghèo nhất, mức cao nhất trong suốt 30 năm qua.

Trong khi đó, theo dự báo của Ngân hàng Bồ Đào Nha, kinh tế nước này tiếp tục rơi vào suy thoái với tăng trưởng ở mức -3,2% vào năm 2012.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng từ nay tới giữa năm tới, gần như chắc chắn Bồ Đào Nha sẽ yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ tài chính với mức 100 tỷ euro.
 
Không thể phá giá được đồng euro, nên con đường mà Bồ Đào Nha phải lựa chọn chỉ có thể là nhờ sự trợ giúp mới từ bên ngoài, hoặc ra khỏi khu vực đồng euro.

Nhà kinh tế người Mỹ từng đoạt giải Nobel Paul Krugman, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Público nói rằng rõ ràng việc gia nhập Eurozone là sai lầm cho cả Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

"Nếu không gia nhập Eurozone, sẽ có ít xe hơi chạy trên phố hơn, nhưng bù lại nhiều người sẽ có việc làm hơn. Nếu mọi việc vẫn không ổn, thì ra khỏi khu vực đồng euro là lựa chọn duy nhất khả thi", ông Krugman nói.

Nếu trong một năm, tăng trưởng kinh tế của Bồ Đào Nha thấp hơn so với kế hoạch, trong khi thâm hụt ngân sách gia tăng và EU yêu cầu tăng cường thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng, Bồ Đào Nha sẽ phải nói "không" với khu vực này.

Cựu Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou cho rằng Bồ Đào Nha cũng như Hy Lạp, đang phải đối mặt với sự lựa chọn duy nhất – ra khỏi khu vực euro.

Ông tin rằng một số quốc gia EU sẽ trở thành nạn nhân của các cuộc đầu cơ đến từ hệ thống tài chính toàn cầu và sẽ không thể ổn định trở lại trong “một sớm một chiều”.

Nhà kinh tế người Bồ Đào Nha Joao Pereira Amaral cũng đã khuyên Thủ tướng đương nhiệm Pedro Coelho áp dụng ngay các biện pháp hỗ trợ từ Liên minh châu Âu “để Bồ Đào Nha có thể ra khỏi khu vực đồng euro càng sớm càng tốt”.

Trong khi đó, dữ liệu của công ty tư vấn Ernst & Young cho thấy khoảng cách giữa các nền kinh tế trong Eurozone sẽ ngày càng nới rộng ra. Tăng trưởng ở Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ireland, Ý và Bồ Đào Nha đến năm 2015 sẽ không thể vượt quá 0,5%, trong khi, 12 quốc gia khác trong Eurozone có thể tăng tưởng ở mức 9%.

Các chuyên gia cho rằng điều này khiến nguy cơ sụp đổ của khu vực đồng euro ngày càng hiện hữu, trừ phi khu vực này tiến hành phá giá đồng euro, động thái chưa bao giờ là chính sách được các quan chức khu vực này ủng hộ.

Nguồn DVT


Sự kiện