Thứ Bảy | 12/05/2012 14:35
Bình đẳng giới - chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng của Ấn Độ
Tình trạng phụ nữ có trình độ nhưng không tham gia vào lực lượng lao động ngày một tăng phần nào đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ.
Trình độ học vấn thấp, truyền thống kết hôn sớm và phân biệt giới tính đã cản trở phụ nữ Ấn Độ tham gia lực lượng lao động. Trong khi đó, Ấn Độ đang rất thiếu nguồn lực chất lượng cao.
Roopa Purushothaman, Giám đốc điều hành Everstone Capital Advisors ở Mumbai cho rằng, việc phụ nữ tham gia thị trường lao động sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng, tăng thu nhập và tiêu dùng. Nếu chỉ có một nửa số phụ nữ trong độ tuổi lao động được tuyển dụng, thu nhập sẽ tăng hơn 12% vào năm 2025 và GDP tăng 110 tỷ USD trong một thập kỷ.
Tuy nhiên, một nghịch lý là số lượng phụ nữ có trình độ và cơ hội quyết định nằm ngoài thị trường lao động ngày một tăng, là một tổn thất lớn với nền kinh tế. Thủ tướng Manmohan Singh đã nhận định tình trạng này đang khiến tăng trưởng kinh tế giảm sút.
Từ năm 1980 đến 2002, tỷ lệ phụ nữ có bằng đại học liên quan đến thương mại ở các trường đại học của Ấn Độ tăng gấp 4 lần lên 63 phụ nữ trên 100 nam giới. Trong khi đó, tỷ lệ ở các ngành liên quan đến kỹ thuật và cơ khí tăng từ 8 lên 33. Nhưng trái ngược, tỷ lệ phụ nữ Ấn Độ tốt nghiệp đại học gia nhập vào lực lượng lao động chỉ là 22%, thấp hơn cả tỷ lệ những phụ nữ mù chữ có thể tìm được việc làm.
Lý giải cho hiện tượng này là: phân biệt giới tính, truyền thống phụ nữ ở nhà, và điều kiện làm việc ở các công ty không đủ để giúp phụ nữ cân bằng giữa công việc và gia đình.
Theo báo cáo về công bằng giới tính xét theo tiêu chí tham gia vào nền kinh tế, Ấn Độ chỉ đứng trên Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi, Pakistan và Yemen. Theo Community Business, tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về giới tính ở 6 nước châu Á từ năm 2009 đến 2011, trong số 1.112 giám đốc của 100 công ty trên sàn chứng khoán, chỉ có 59 (tương đương 5,3%) trong số đó là phụ nữ, thấp hơn một nửa so với tỷ lệ ở Mỹ và Anh.
Tuy nhiên, một số công ty lĩnh vực công nghệ, tài chính đã tuyển dụng và giữ chân thành công những phụ nữ có học bằng cách tạo ra môi trường làm việc trẻ trung, thoải mái, linh hoạt, và tăng phúc lợi, như Tata Consultancy Services, Infosys và Wipro.
Hiện tại, Ấn Độ cũng đang nỗ lực giải quyết tình trạng phân biệt giới tính và đã có một số kết quả. Tỷ lệ phụ nữ biết chữ tăng lên 65,5% năm 2011 từ 53,4% năm 2001. Chính phủ cũng cấm kết hôn với phụ nữ dưới 18 tuổi, cấm phân biệt đối xử trong trả lương và nâng thời gian nghỉ thai sản lên 3 tháng.
Nguồn CafeF