Thứ Hai | 05/08/2013 10:58

Biểu tình lớn ở Bangkok

Khoảng 2.000 cựu quân nhân của Thái Lan đã tập hợp hòa bình ở thủ đô Bangkok để biểu tình phản đối chính phủ.
Lực lượng biểu tình chống chính phủ tụ tập tại tượng đài Vua Rama VI ngoài công viên Lumpini ở thủ đô Bangkok, trong đó có một số sỹ quan quân đội nghỉ hưu như Tướng Bannawit Kengrian, cựu phó chủ tịch thượng viện Pichet Pattanachoat...

Những người biểu tình tuyên bố phản đối mạnh mẽ cái gọi là "chế độ cai trị của Thaksin" nhằm ám chỉ đến cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, đồng thời là người anh đang lưu vong của Thủ tướng Thái Lan hiện nay Yingluck Shinawatra.

Những người cầm đầu biểu tình nói rằng họ sẽ kéo dài cuộc diễu hành phản đối chính phủ và cuối cùng sẽ kéo tới các địa điểm ngoài tòa nhà Quốc hội để thể hiện sự phản đối đối với dự luật ân xá, dự kiến được trình lên Hạ viện Thái Lan vào ngày 7/8 tới.

Khoảng hơn 1.000 cảnh sát đã được điều động bao quanh khu vực của những người biểu tình. Ngoài ra, khoảng 100 cảnh sát cũng được triển khai xung quanh khu dinh thự của Thủ tướng Yingluck ở ngoại ô thủ đô Bangkok.

Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan đã bước đầu ngăn chặn thành công cuộc đại biểu tình, do các nhóm đối lập tổ chức vào ngày 4/8 tại công viên Lumpini - Bangkok, nhằm phản đối kỳ họp Quốc hội đang diễn ra để bàn một số vấn đề gây tranh cãi, đặc biệt là Dự luật Ân xá.

Việc kịp thời áp dụng Đạo luật An ninh Nội địa để lực lượng an ninh được phép quy định khu vực cấm xâm phạm được coi là bước đầu tiên hạn chế những nhóm biểu tình áp sát các địa điểm nhạy cảm như trụ sở Quốc hội và phủ Thủ tướng...

Ngay sau đó, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã hai lần kêu gọi hòa giải, chấp nhận tổ chức Hội đồng cải cách chính trị, tạo diễn đàn cho tất cả các bên tham gia để tìm lối thoát cho những mâu thuẫn chính trị trong xã hội hiện nay.

Ngoài ra để đối phó trực tiếp với cuộc biểu tình, Trung tâm điều hành bảo vệ trật tự vừa được thành lập dưới sự điều hành trực tiếp của Cảnh sát trưởng Hoàng gia. Trung tâm này sẽ có các cuộc họp báo hàng ngày để cung cấp các thông tin liên quan việc kiểm soát biểu tình, tình hình biểu tình, cũng như những khuyến cáo cần thiết.

Phần lớn người biểu tình trụ lại ban đêm là dân ngoại tỉnh (Ảnh: Xuân Sơn)
Phần lớn người biểu tình trụ lại ban đêm là dân ngoại tỉnh (Ảnh: Xuân Sơn)

Các cơ quan chức năng Thái Lan đã kiểm soát tốt tình hình, hơn 10 tuyến đường xung quanh khu vực này đã bị phong tỏa chặt, lực lượng biểu tình không thể áp sát khu vực nhạy cảm và số lượng người tham gia không nhiều như dự kiến.

Đây là lần thứ hai Chính phủ Thái Lan dưới sự điều hành của Thủ tướng Yingluck Shinawatra áp dụng Đạo luật An ninh Nội địa để đối phó đại biểu tình và cũng là lần thứ hai, ngay sau đó, bà Yingluck tuyên bố kêu gọi hòa giải nhằm giảm áp lực từ phía những người biểu tình.

Sách lược này từng áp dụng thành công lần đầu tiên vào tháng 11/2012, khi đối phó với cuộc đại biểu tình do “Tổ chức bảo vệ Siam” tiến hành với hơn 11.000 người tham dự. Mặc dù cuộc đại biểu tình lần này do nhóm “Quân đội nhân dân lật đổ chế độ Thaksin”, mà thực chất vẫn là Tổ chức bảo vệ Siam sẽ kéo dài trong một số ngày tới, tuy nhiên nhiều khả năng sẽ bị các lực lượng chức năng Thái Lan hóa giải như đã xảy ra hồi năm 2012.

Nguồn Vietnam+, VOV


Sự kiện