Nếu biến thể mới không phải là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng COVID-19 của Ấn Độ, thì điều gì khác phải chịu trách nhiệm? Ảnh: AFP.
Biến thể mới có phải là nguyên nhân gây ra thảm họa COVID-19 ở Ấn Độ?
Thủ phạm không hẳn là biến thể mới
Theo Financial Times, tốc độ đáng kinh ngạc mà COVID-19 lấn át hệ thống y tế của Ấn Độ đã làm dấy lên báo động toàn cầu về biến thể virus.
Một số người đổ lỗi cho biến thể B.1.617 là nguyên nhân gây ra sự gia tăng các ca nhiễm trùng ở Ấn Độ, nơi ghi nhận hơn 350.000 ca nhiễm chỉ trong ngày 26.4. Các chuyên gia y tế tin rằng con số thực có thể cao hơn nhiều.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng mức độ mà một mình biến thể trên phải chịu trách nhiệm cho sự gia tăng chóng mặt các ca nhiễm trong vài tuần qua, khiến 2.800 trường hợp tử vong được xác nhận ở Ấn Độ chỉ trong ngày 26.4. Theo các nhà khoa học, có rất ít bằng chứng xác thực về độc lực và khả năng lây truyền của biến thể ở Ấn Độ.
Nhà phân tích bệnh truyền nhiễm Nancy Jaser tại công ty phân tích theo dõi các đột biến GlobalData cho biết: “Bất chấp sự gia tăng đáng báo động về các ca bệnh mới trong làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Ấn Độ, đơn giản là không có đủ bằng chứng để đổ lỗi cho các biến thể”.
Số ca nhiễm virus đang gia tăng đạt mức kỷ lục ở Ấn Độ. Ảnh: Financial Times. |
Biến thể B.1.617 lần đầu tiên được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu toàn cầu về bộ gen virus hồi đầu tháng 10.2020, chỉ hai tuần sau khi biến thể B.1.1.7 được phát hiện ở Anh. B. 1.617 đã lưu hành ở Ấn Độ từ đó và lan rộng ra quốc tế. Khoảng 20 quốc gia đã báo cáo các trường hợp mắc bệnh, chủ yếu là ở du khách đến từ Ấn Độ.
Vấn đề ở đây là với quy mô dân số đứng thứ 3 thế giới, Ấn Độ thực hiện quá ít việc giải trình tự toàn bộ bộ gen của biến thể - vốn được xem là cách đáng tin cậy duy nhất để theo dõi sự tiến hóa của các biến thể. Do đó, mức độ tham gia của biến thể B. 1.617 vào vụ bùng phát ở Ấn Độ vẫn chưa thực sự được hiểu rõ, mặc dù nó chiếm khoảng 2/3 số bộ gen được báo cáo từ quốc gia này cho cơ sở dữ liệu toàn cầu GISAID.
Giám đốc Sáng kiến gen COVID-19 Jeffrey Barrett tại Viện Wellcome Sanger ở Cambridge nói: “Có một số bằng chứng về nhiều vụ dịch chồng chéo nhau đang xảy ra ở Ấn Độ, chứ không phải là một đợt bùng phát đơn lẻ. Điều này cho thấy đó là một quốc gia rộng lớn, không đồng nhất".
Nhân viên y tế khiêng bệnh nhân. Ảnh: AP. |
Liệu B.1.617 có độc lực đặc biệt?
Biến thể B. 1.617 ban đầu có 13 đột biến gen dẫn đến những thay đổi đối với virus. Chúng được liên kết trong các biến thể khác (cụ thể là những biến thể ở Nam Phi và Brazil) để tăng khả năng lây truyền và chống lại khả năng miễn dịch do tiêm chủng hoặc nhiễm trùng trước đó. Nhưng không có đủ bằng chứng từ các nghiên cứu dịch tễ học hoặc các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm để xác nhận điều này cũng là trường hợp của B.1.617.
Thủ tướng Narendra Modi đã phát biểu tại cuộc họp vào tháng trước nhân kỷ niệm 75 năm ngày độc lập của Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Hiện, các loại vaccine được phát triển để chống lại virus Corona gốc xuất hiện ở Vũ Hán vào năm 2019 dường như cũng hoạt động chống lại biến thể B.1.1.7 xuất hiện ở Anh, mặc dù chúng có vẻ kém hiệu quả hơn đối với các biến thể có nguồn gốc ở Nam Phi và Brazil.
Tuy nhiên, liệu các loại vaccine này có duy trì được hiệu quả chống lại các biến thể mới ở Ấn Độ hay không thì vẫn là một điều chưa thể kết luận. Bởi lẽ, chỉ có khoảng 10% dân số Ấn Độ đã được tiêm chủng, các biến thể vẫn chưa chịu áp lực mạnh từ khả năng miễn dịch do vaccine mang lại.
Lễ hội Kumbh Mela, một trong những lễ hội tôn giáo lớn nhất thế giới khi hàng triệu người tụ tập ngay cả khi các ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng. Ảnh: Reuters. |
Trách nhiệm thuộc về đâu?
Nếu biến thể mới không phải là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng COVID-19 của Ấn Độ, thì điều gì khác phải chịu trách nhiệm?
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đang phát triển ở Ấn Độ cũng được thúc đẩy bởi các yếu tố khác, bao gồm tỉ lệ tiêm chủng thấp và năng lực bệnh viện hạn chế, cũng như quyết định của các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Narendra Modi và khả năng chịu đựng các cuộc tụ họp chính trị và tôn giáo lớn.
Nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu Michael Head tại Đại học Southampton ở Anh cho biết: “Đã có rất nhiều sự tập trung vào biến thể B.1.617. Nhưng sự pha trộn của các nhóm dân số khác nhau là nguyên nhân dẫn đến việc lây truyền các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp”.
Cụ thể, các cuộc tụ tập đông người ở Ấn Độ vào tháng 3 và tháng 4 liên quan đến các chiến dịch chính trị, các trận đấu quốc tế giữa Ấn Độ và Anh "với đầy đủ các sân vận động và ít người đeo khẩu trang. Ngoài ra, một số lễ hội tôn giáo lớn, chẳng hạn như Kumbh Mela - sự kiện có hàng triệu người tham dự, cũng là nguyên nhân làm tăng số ca nhiễm.
Có thể bạn quan tâm:
► Ấn Độ lập kỷ lục số ca nhiễm cao nhất trong một ngày trên toàn cầu