Nhật Bản xác nhận ca nhiễm biến thể Lambda đầu tiên của COVID-19. Ảnh: Bloomberg.
Biến thể Lambda có phải là mối nguy mới
Theo CNBC, hơn 18 tháng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và thế giới đã quen với tin tức về các biến thể mới của virus, đặc biệt là những biến thể đã thay thế từng phiên bản trước của căn bệnh này.
Người không được tiêm phòng không chỉ đơn thuần là mạo hiểm sức khỏe của chính họ mà còn là nguồn duy nhất để các biến thể mới sinh sôi. Ảnh: CNN. |
Một số đột biến của virus, như biến thể Alpha và biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Anh và Ấn Độ - có khả năng lây truyền cao hơn so với các lần lặp lại trước đó và tiếp tục thống trị trên toàn cầu. Bất cứ khi nào một biến thể mới xuất hiện, các nhà khoa học sẽ theo dõi nó một cách chặt chẽ.
Trong khi thế giới vẫn đang tranh cãi với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, đã soán ngôi Alpha về khả năng lây truyền và dẫn đến nhập viện ở những người chưa được tiêm chủng, hiện nay đã có một biến thể mới mà các chuyên gia đang theo dõi: Biến thể Lambda.
Từ ngày 14/6, biến thể này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh mục biến thể cần chú ý, tức thấp hơn các biến thể cần quan tâm như biến thể Delta.
Lambda từ đâu đến?
Theo WHO, biến thể Lambda được phát hiện đầu tiên ở Lima (Peru) vào tháng 8/2020. Biến thể còn được gọi là C37 hoặc "biến thể núi Andes".
Tại Peru, biến thể Lambda nhanh chóng chiếm đa số các ca mắc COVID-19 (81% tổng số trình tự gene đã phân tích từ tháng 4/2021).
Sau đó, biến thể Lambda đã phát tán đáng kể ở khu vực Nam Mỹ (Chile, Ecuador, Argentina, Brazil) và hiện đã có mặt tại khoảng 30 quốc gia.
Những người tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19. Ảnh: CNBC. |
Pháp đã phát hiện ca nhiễm biến thể mới Lambda đầu tiên vào đầu tháng 5/2021. Anh đã đưa ra cảnh báo về biến thể mới này vào đầu tháng 7/2021.
Tại Nhật, biến thể Lambda được phát hiện ở một phụ nữ khoảng 30 tuổi tại sân bay Haneda. Người phụ nữ nhiễm biến thể này đã đi từ Peru đến Nhật hôm 20/7.
Tại Mỹ, ca đầu tiên nhiễm biến thể Lambda được phát hiện trong bệnh viện ở Houston vào cuối tháng 7/2021.
Lambda có lây nhiễm và gây tử vong cao hơn không?
Cơ quan Y tế công cộng Pháp đánh giá hiện vẫn còn thiếu nhiều dữ liệu về tác động của biến thể Lambda đối với sức khỏe cộng đồng cũng như tính cạnh tranh của biến thể Lambda đối với các biến thể khác, đặc biệt là các biến thể trong danh mục biến thể cần quan tâm.
Theo một số nghiên cứu ban đầu, biến thể Lambda mang 2 đột biến T76I và L452Q có khả năng làm tăng khả năng lây nhiễm so với chủng gốc SARS-CoV-2.
Tiến sĩ vi sinh vật Pablo Tsukayama người Peru giải thích: "Chúng tôi chưa biết chính xác liệu biến thể Lambda có khả năng lây nhiễm cao hơn hay gây tử vong nhiều hơn không. Chúng tôi biết rất ít về ảnh hưởng xảy ra khi các đột biến kết hợp tác động đến sinh học của virus".
Lambda có kháng vaccine không?
Biến thể Lambda còn mang 3 đột biến RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S có thể thoát khỏi kháng thể trung hòa sau khi nhiễm và sau khi tiêm các loại vắc xin Pfizer, Moderna và Sinovac. Dù vậy, không có bằng chứng cho thấy biến thể Lambda ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của vaccine.
Tiến sĩ Pablo Tsukayama giải thích: "Chúng ta cần thêm dữ liệu dựa trên hiện tượng nhiễm virus trong ống nghiệm, trên mô hình động vật và thử nghiệm trung hòa. Hiện, các vaccine đều đủ khả năng bảo vệ chống lại các biến thể đã biết".
Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy biến thể Lambda không gây tác động nào đáng kể đến hiệu quả của thuốc điều trị bằng hỗn hợp kháng thể đơn dòng của Công ty Regeneron.
Có thể bạn quan tâm:
Trung Quốc cam kết cung cấp 2 tỉ liều vaccine COVID-19 cho thế giới