Lạm phát nhà ở bật tăng trong tháng 9 là một bất ngờ lớn đối với thị trường. Ảnh: Reuters.
Biến số trong cuộc chiến chống lạm phát của FED
Giới chuyên môn nhận định cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang (FED) vẫn đang diễn ra rất phức tạp và nền kinh tế Mỹ có thể sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Trong số đó, giá nhà ở bất ngờ bật tăng trong tháng 9 đã trở thành biến số mới làm đảo lộn những tính toán của Ngân hàng Trung ương.
Trước đó, các quan chức của FED đã kỳ vọng chiến dịch tăng lãi suất có thể khiến lạm phát hạ nhiệt, đồng thời đưa giá nhà về xu hướng giảm. Tuy nhiên, các báo cáo kinh tế tháng 9 được công bố cho thấy tốc độ xuống giá của thị trường bất động sản Mỹ đang chững lại. Thậm chí là có dấu hiệu quay đầu tăng.
Các số liệu thống kê gần đây cho thấy, giá nhà ở là một trong những yếu tố chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh hơn so với dự báo, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Chi tiêu cho các chi phí có liên quan đến nhà ở tăng 0,6% so với tháng 8 và tăng mạnh 7,2% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, CPI đã tăng 0,4% so với tháng 9 và 3,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Các nhà phân tích đã không thể dự đoán giá nhà ở sẽ bật tăng trở lại, khi các dữ liệu liên quan đến tiền thuê nhà theo thời gian thực vẫn cho thấy giá nhà ở đang ở xu hướng giảm. Tuy nhiên, những dữ liệu mới được công bố gần đây cho thấy thị trường bất động sản đang ở xu hướng ngược lại. Do đó, cần phải điều chỉnh để dữ liệu quay trở về xu hướng giảm để toàn thị trường cảm thấy yên tâm về những nỗ lực đưa tỉ lệ lạm phát quay trở lại mức tiêu 2% của FED.
“Lạm phát nhà ở bật tăng trong tháng 9 là một bất ngờ lớn đối với thị trường. Biến số này cần phải giảm mạnh trong những tháng tới thì mới có thể kỳ vọng lạm phát sẽ quay về gần mức mục tiêu 2%. Nhìn chung, thị trường cho thấy nhiều tín hiệu khả quan, nhưng cuộc chiến chống lạm phát của FED vẫn còn nhiều việc cần phải làm”, ông Olu Sonola, Nhà phân tích cấp cao của Fitch Ratings, nhận định.
Các báo cáo về giá nhà ở, giấy phép xây nhà và thị trường việc làm trong lĩnh vực xây dựng không cho thấy những biến động mạnh như dự đoán, dù FED đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong vòng 22 năm. Và giới phân tích cũng dần xem sự tăng giá bất ngờ của giá nhà ở là một trong những rủi ro tiềm ẩn của lạm phát. Theo đó, các dữ liệu kinh tế trong tương lai sẽ càng khó để dự đoán hơn trong bối cảnh cung cầu nhà ở diễn biến phức tạp.
Dữ liệu về lạm phát nhà ở có thể trở thành lý do khiến FED để ngỏ các quyết định nhằm củng cố nỗ lực đưa lạm phát về mục tiêu 2% một cách bền vững. Điều này đòi hỏi một giai đoạn tăng trưởng kinh tế thấp hơn xu hướng hiện tại, bởi lãi suất đã tăng nhiều, nhưng nền kinh tế vẫn trụ vững.
Bà Kathy Bostjancic, Nhà kinh tế trưởng tại Nationwide, cho biết chi phí nhà ở tăng đã kéo lạm phát dịch vụ tăng lên mức cao hơn. Động thái này có thể buộc FED phải duy trì lập trường “diều hâu” và là dấu hiệu để thị trường cảnh giác trước một đợt tăng lãi suất khác.
Hiện tại, các nhà đầu tư đều đang đặt cược khả năng 92% FED sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc định định kỳ vào tháng 11. Tuy nhiên, khả năng Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 là 39%.
Dẫu vậy, một số ý kiến cho rằng từ đây cho đến thời điểm cuộc họp định kỳ cuối cùng của năm 2023 diễn ra, xu hướng giảm phát trên thị trường bất động sản mà Chủ tịch FED Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông kỳ vọng sẽ diễn ra mạnh mẽ. Điều đó giúp ích cho FED trong cuộc chiến chống lạm phát.
Có thể bạn quan tâm:
Các Ngân hàng Trung ương châu Á tìm cách bảo vệ đồng tiền nội tệ
Nguồn Reuters