Biện pháp đối phó suy thoái kinh tế của Bernanke đã được xây dựng từ những năm 1900
Vũ khí đầu tiên được chủ tịch Fed Ben S. Bernanke sử dụng để chống lại suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II được tạo ra bởi Paul M. Warburg, một chủ ngân hàng trong những năm 1900. Ông Warburg là người hiểu rõ thị trường tiền tệ hơn bất kỳ người nào tham gia soạn thảo Đạo Luật Dự trữ Liên bang.
Tổng thống Woodrow Wilson ký đạo luật trên vào 23/12/1913. Mục đích chính của đạo luật là hỗ trợ hệ thống tài chính bị suy yếu từ cuộc khủng hoảng trong thập kỷ trước đó. Khái niệm về khoản cho vay cứu trợ được tạo ra bởi Warburg, một người Mỹ gốc Đức. Các tài liệu của Warburg cho thấy vai trò đóng góp của ông đối với việc xây dựng đạo luật không bao giờ được công nhận xứng đáng.
Gần 100 năm sau, ý tưởng của ông đã được áp dụng khi Bernanke thực hiện chính sách cho vay có chiết khấu (discount window) vào 29/10/2008, cung cấp cho các ngân hàng khoản vay 111 tỷ USD do thị trường tín dụng ngắn hạn gần như đóng băng sau khi Lehman Brothers Holdings Inc. phá sản ngày 15/9. Chủ tịch Fed cũng sử dụng quyền hạn khẩn cấp để hỗ trợ thị trường tiền tệ, mà theo Warburg đây là yếu tố quan trọng đối với tính thanh khoản của hệ thống tài chính.
Warburg "là cha đẻ của chính sách cho vay có chiết khấu tại Mỹ" và "ông tổ của Cục Dự trữ Liên bang ", theo Michael Bordo, Giám đốc Center for Monetary and Financial History, đại học Rutgers. Nếu "ý tưởng của Warburg được áp dụng, Fed đã có thể làm tốt hơn rất nhiều trong những năm 1920, và cuộc Đại khủng hoảng có thể đã không để lại quá nhiều hậu quả tồi tệ."
Warburg là một trong những thống đốc đầu tiên và Phó Chủ tịch thứ hai của Fed từ 1914-1918. Ông là chủ ngân hàng đầu tư Kuhn Loeb & Co. Ông không ủng hộ việc xây dựng Fed có cơ cấu tổ chức phi tập trung. Mối quan tâm lớn nhất của ông là sự cần thiết phải xây dựng một thị trường tiền tệ tập trung mà Fed có khả năng hỗ trợ nếu khủng hoảng nổ ra.
Dưới chế độ bản vị vàng, Warburg thấy rằng một trong những cách để tạo ra sự linh hoạt trong một hệ thống tiền tệ cứng nhắc là để cho các ngân hàng có thể giảm, hoặc bán, các khoản nợ ngắn hạn để đổi lấy tiền. Ngày nay, các ngân hàng thường xuyên huy động vốn bằng thương phiếu ngắn hạn (commercial papers) và thỏa thuận mua lại cho phép ngân hàng sử dụng chứng khoán để thế chấp cho khoản vay ngắn hạn .
Ngân hàng trung ương sẽ không can thiệp vào hoạt động kinh doanh hàng ngày của thị trường, mà chỉ can thiệp khi một ngân hàng gặp khó khăn. Chi phí các khoản vay trực tiếp từ Fed sẽ là tỷ lệ chiết khấu mà các ngân hàng phải trả để có thể tiếp cận khoản vay có chiết khấu (discount windows).
Sự ngạc nhiên của Warburg
Trong một buổi điều trần về cải cách ngân hàng và tiền tệ trước tiểu ban Hạ Viện vào 1/1913, Warburg nói với Chủ tịch hạ viện Carter Glass - người soạn thảo Đạo luật Dự trữ liên bang – rằng ông "ngạc nhiên" về tình hình thị trường tiền tệ Mỹ.
"Tôi thấy lãi suất cho vay giao dịch mua ký quỹ (money rates) là 25% và 30%," ông nói với ông Glass. Cuối phiên điều trần, ông nói rằng ông biết chính xác những biện pháp cần được thực hiện.
"Cả ngân hàng thương mại và ngân hàng trung ương sẽ không được an toàn nếu không có thương phiếu hoặc giấy bạc ngân hàng." Warburg nói. "Điều quan trọng là ngân hàng trung ương cung cấp các khoản nợ ngắn hạn mà các ngân hàng thương mại có thể nhanh chóng chuyển thành tiền mặt.
Các ý kiến phản đối
Cả hai ông Wilson và Glass đều phản đối một số ý tưởng của ông Warburg. Ông Glass thậm chí cho rằng quan điểm của Warburg không đóng góp bất cứ điều gì cho đạo luật.
Trong bức thư gửi Robert Owen Latham, ông Glass viết "Warburg không soạn thảo bất kỳ một câu nào trong dự luật". Ông Owen ủng hộ dự luật tại Thượng viện.
Tuy nhiên, cả hai ông Wilson và Glass đều khẳng định ông Warburg đóng góp và định hướng hoạt động của ngân hàng trung ương trong những năm đầu thành lập. Chuyên môn của ông Warburg đã được công nhận rộng rãi tại thời điểm đó, ngay cả trong công chúng .
Sau khi tốt nghiệp trung học ở Hamburg ở tuổi 18, Warburg thực tập tại rất nhiều các tổ chức tài chính, bao gồm ngân hàng đầu tư của Anh Samuel Montagu & Co và công ty của cụ ông, MM Warburg & Co, được thành lập năm 1798. Ông đến Hoa Kỳ vào năm 1902, sau khi kết hôn với Nina Loeb, con gái người sáng lập ra ngân hàng đầu tư Kuhn Loeb.
Kinh nghiệm của Warburg về tài chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và thương mại châu Âu ảnh hưởng tới các biện pháp tiếp cập của ông áp dụng với ngân hàng trung ương. Theo ông, hệ thống tài chính cần phải được tập trung, thị trường tiền tệ thứ cấp, nơi các ngân hàng có thể huy động vốn tức thời bằng cách phát hành thương phiếu và tín dụng thương mại, còn được gọi là các chấp phiếu của ngân hàng (Bankers acceptances), và bán chúng. Ông gọi chúng là "tài sản ngắn hạn" một thuật ngữ phản ánh ý thức của ông về loại chứng khoán gần như có thể chuyển ngay lập tức ra tiền.
Bài học quan trọng
Một thế kỷ sau, Gary Gorton, giáo sư tài đại học Yale, đã viết: một trong những bài học quan trọng từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là nợ ngắn hạn có thể đóng vai trò tiền tư nhân (private money).
"Một sai lầm nghiêm trọng có thể nhận thấy sau cuộc khủng hoảng là các cơ quan quản lý và các nhà kinh tế không biết những công ty nào là ngân hàng hoặc những khoản nợ như thế nào được coi là "tiền" Họ cho rằng ngân hàng là những công ty có điều lệ ngân hàng và tiền chỉ bao gồm tiền mặt và tiền gửi không kỳ hạn”, ông viết trong cuốn sách "Misunderstanding Financial Crises: Why We Don’t See Them Coming”
Như Gorton đã chỉ ra, trên thị trường tiền tệ, nhà đầu tư có thể viết séc cho các quỹ tương hỗ nắm giữ thương phiếu, dễ dàng như việc viết séc để rút tiền gửi từ tài khoản ngân hàng. Cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra là do niềm tin vào các công ty hoặc giá trị tài sản của các công ty bị xói mòn. Đó là nguyên nhân khiến ông Bernanke giải cứu thị trường bằng chính sách hỗ trợ khẩn cấp.
Vai trò cốt lõi của Fed
Khi nói về đóng góp của mình trên cương vị chủ tịch tại một cuộc họp báo ngày 18/12, Bernanke cho biết Ngân hàng trung ương đã "quay trở lại vai trò cốt lõi trước đây khi Fed được thành lập để ổn định hệ thống tài chính trong thời gian khủng hoảng. Chúng tôi sử dụng công cụ truyền thống mà các ngân hàng trung ương đã áp dụng trong hàng trăm năm nay, nhưng tất nhiên đã được điều chỉnh để phù hợp với hệ thống tài chính hiện đại."
Các bài nghiên cứu của Warburg tại đại học Yale cho thấy nỗ lực không mệt mỏi của ông trong việc ủng hộ xây dựng thị trường chấp phiếu ngân hàng. Chấp phiếu ngân hàng an toàn hơn so với thương phiếu do được ngân hàng "chấp nhận" hoặc được ngân hàng coi là tín dụng ngắn hạn, điều này làm tăng sức hấp dẫn của chấp phiếu trên thị trường thứ cấp.
Ông dành nhiều thời gian để tinh chỉnh các quy định, dự thảo và chỉ trích Benjamin Strong, chủ tịch đầu tiên của Fed chi nhánh New York, vì không quan tâm tới thị trường.
"Không nên có thái độ chán nản và thất vọng khi cho rằng Fed sẽ không có khả năng làm được điều gì, trên thực tế, tôi biết Fed có thể làm được, và nếu tôi là chủ tịch chi nhánh New York, tôi sẽ mua hàng triệu chấp phiếu ngân hàng," Warburg đã viết cho ông Strong vào ngày 17/2/1915.
Dấu ấn của Warbug
Mặc dù Glass, Owen và những người khác cố gắng hạ thấp sự đóng góp Warburg đối với đạo luật Dự trữ Liên bang, dấu ấn của ông vẫn in đậm trong phần mở đầu của đạo luật.
Ngoài quy định thành lập các chi nhánh của Fed và tạo ra một loại tiền tệ linh hoạt, chỉ thị 03 còn đề cập tới việc tạo ra “các công cụ tái chiết khấu thương phiếu . "
Trong cuốn hồi ký năm 1930, Warburg gọi Glass và những người có tên trong danh sách soạn thảo đạo luật là "những người biện hộ cho chính mình."
"Fed là sản phẩm của công sức và trí tuệ của rất nhiều người, " Warburg đã viết. “Sự phát triển của ngân hàng trung ương Mỹ "phải được coi là một di tích quốc gia, như các nhà thờ cổ ở châu Âu, nơi công trình nghiên cứu của nhiều thế hệ và nhiều chuyên gia được vinh danh là biểu tượng của thành tựu quốc gia."
Nguồn Dân Việt/Bloomberg