Lực lượng Houthi tấn công nhiều tàu chở hàng qua eo biển Bab al-Mandeb. Ảnh: CNN
Biển Đỏ dậy sóng và những tác động tiêu cực đến vận tải quốc tế
Những tháng cuối năm thường là thời điểm xả hàng của những siêu thị, những đợt giảm giá hàng của hầu khắp các nhà bán lẻ trên toàn thế giới tạo cho nguồn hàng luân chuyển rất mạnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt là thời điểm giữa cuối tháng 11 và đầu tháng 12 hàng loạt cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào các tàu hàng đi ngang qua eo biển Bab al-Mandeb nằm giữa Yemen và Đông Bắc Phi dẫn ra Biển Đỏ, các cảng phía nam của Israel và kênh đào Suez.
Kể từ lúc các cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 7/10 và các cuộc trả đũa của Israel kéo dài từ đó đến nay chưa hề có dấu hiệu giảm sút. Trong khi đó, chiến tranh đang có dấu hiệu lan rộng bởi các phong trào hồi giáo ở các nước trong khu vực tuyên bố ủng hộ Hamas trong đó có Houthi một lực lượng Hồi giao đang chiếm đóng miền bắc Yemen. Một địa điểm cực kỳ quan trọng ngay trên tuyến hàng hải chính nối liền Hồng Hải và Ấn Độ Dương nơi có đến 40% lượng hàng hoá của thế giới được vận chuyển qua đây.
Liên tục trong thời gian qua, lực lượng Houthi đã tấn công nhiều tàu chở hàng đi qua eo biển Bab al-Mandeb. Có thể kể ra các vụ tấn công vào các tàu sau đây:
-Ngày 14/11, tàu Maersk Gibraltar sau khi nhận yêu cầu hướng về cảng Yemen nhưng bị từ chối, một tên lửa đạn đạo đã hướng về phái tàu rất may không có thương vong.
-Ngày 15/11, con tàu Al Jasrah với khoảng 1.000 container khi đi ngang qua phía nam Biển Đỏ, gần cảng Mukha của Yemen, đã bị máy bay không người lái hoặc tên lửa bắn trúng, có thể trúng mạn trái của con tàu, ở khu vực boong chở hàng, gây cháy. Đã có container từ tàu này rơi xuống biển, rất may thuỷ thủ đoàn vẫn an toàn.
-Ngày 19/11, tàu Galaxy Leader chở hàng cùng với 25 thành viên thuỷ thủ đoàn bị phiến quân Houthi bắt giữ khi đang thực hiện chuyến hành hải từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Ấn Độ. Ngay sau khi bắt giữ lực lượng Houthi đã cho công bố một đoạn video ghi lại cảnh bắt giữ con tàu này. Không những vậy, sau khi bị bắt giữ, tàu này trở thành điểm tham quan của những người ủng hộ lực lượng Houthi. Ngay sau vụ bắt giữ tàu Galaxy Leader thì công ty quản lý của con tàu này là Ray Car Carriers, ngay lập tức chuyển hướng hai con tàu khác cũng do họ quản lý đang trên hành trình qua khu vực này là Glovis Star và Hermes Leader.
-Ngày 10/12, Houthi lại tấn công 2 bằng máy bay không người lái nhằm vào hai con tàu MSC Clara và Swan Atlantic thuộc sở hữu của Na Uy.
-Ngày 15/12, con tàu container MSC Palatium III tiếp tục bị tấn công bằng máy bay không người lái. Cùng ngày tàu MSC Alanya cũng đi qua tuyến này và bị đe doạ tấn công, rất may lực lượng Mỹ can thiệp đã đưa tàu này tiếp tục hành trình. Cũng trong ngày này tàu AL JASRAH mang cờ Liberia cũng bị tấn công bằng tên lửa.
Khoảng 40% thương mại quốc tế đi qua eo biển hẹp Bab al-Mandeb. Trong số đó có đến 30% lưu lượng tàu container trên thế giới đi qua. Khoảng 12% lượng dầu được vận chuyển bằng đường biển và 8% lượng khí tự nhiên hóa lỏng của thế giới cũng đi qua eo biển này để hướng tới châu Âu. Các mặt hàng khác như ngũ cốc, dầu cọ và hàng công nghiệp cũng bị ảnh hưởng do các cuộc tấn công.
Mới đây nhất, nhiều công ty hàng hải quyết định cho tàu đi vòng quanh mũi phía Nam châu Phi làm kéo dài hành trình tàu. Các tàu container từ vùng Viễn Đông giờ đây buộc phải đi tuyến đường vòng quanh Châu Phi qua Mũi Hão Vọng xa hơn đến hai đến bốn tuần và chi phí tăng đến 40% nâng chi phí toàn bộ cho mỗi tàu lớn lên đến cả triệu USD.
Phí bảo hiểm cho hàng hoá đi qua các tuyến đường này dự kiến sẽ tăng lên hàng chục ngàn USD mỗi ngày. Giá dầu dự kiến cũng sẽ tăng cao bởi rất nhiều các tàu chở dầu đi ngang qua khu vực này bị ảnh hưởng. Nguồn cung thiếu do thời gian vận chuyển tăng, lượng tàu chấp nhận chạy các tuyến này cũng giảm đi cũng làm tăng giá dầu.
Không chỉ chi phí tăng cao mà việc vận chuyển bằng tuyến đường thay thế kéo dài thời gian quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, nhất là các loại thực phẩm có thời hạn sử dụng không quá dài.
Đây là mối lo ngại rất lớn cho nền kinh tế Israel bởi đến 99% vận tải hàng hoá là bằng đường biển và có đến 49% lượng hàng hoá nhập khẩu đến từ các nước Châu Âu và 25% là đến từ Châu Á. MSC, Maersk, Hapag-Lloyd, Tập đoàn tàu chở dầu Frontline của Na Uy, Tập đoàn dầu mỏ BP cũng đã dừng các tuyến vận chuyển qua Biển Đỏ.
Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại giữa Israel với Châu Á mà còn ảnh hưởng rất lớn đến ngành vận tải biển cũng như thương mại toàn cầu trong thời gian sắp tới.
Trong tuần qua, Mỹ đã triển khai Chiến dịch bảo vệ thịnh vượng, một liên minh hàng hải nhằm tăng cường an ninh ở phía nam Biển Đỏ với sự tham gia của hơn 20 quốc gia.
Việt Nam không có nhiều tàu đi qua eo biển này nên các tác động trực tiếp gây nên những nguy hiểm cho tàu hay thuỷ thủ Việt Nam là không nhiều. Song không phải là không có nguy cơ hoàn toàn vì vẫn còn có một số ít các tàu hàng, hay tàu chở dầu của Việt Nam có thể sẽ đi qua khu vực này. Một số thuỷ thủ đánh thuê trên các con tàu quốc tế lớn cũng có thể đi qua khu vực này. Hy vọng những công ty chủ quản, những nhà khai thác vận tải biển của Việt Nam cố gắng tránh hết sức tuyến đường này.
Tuy nhiên, các tác động gián tiếp như giá cước vận tải cao, giá dầu tăng lên chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam cũng phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu và trong số các container hàng hoá trên các tàu quốc tế bị tấn công hay buộc chuyển hướng kia sẽ có một số là đi hoặc đến Việt Nam.