Biển Chết sắp biến mất?
Nhưng hiện nay, mực nước Biển Chết đang dần khô cạn với tốc độ đáng kinh ngạc và để lộ ra những khoảng trống rất lớn với những hố sụt lún khổng lồ xuất hiện như những "hố tử thần"
Khoảng năm 1960, mực nước ở Biển Chết thấp hơn 394m so với mực nước biển thì tới năm 2012 mực nước này giảm xuống tới 423m so với mực nước biển. Điều này đồng nghĩa với diện tích mặt nước của biển chết giảm từ 950 km2 xuống chỉ còn khoảng 637 km2, giảm khoảng 1/3 so với ban đầu.
Hiện nay, mực nước ở Biển Chết tiếp tục giảm 0,8 đến 1,2m mỗi năm. Nguyên nhân của hiện tượng này là do nguồn cung cấp nước chính của Biển Chết từ dòng sông Jordan ngày càng suy giảm bởi hệ sinh thái ven sông này ngày càng phát triển khiến cho nhu cầu nước ngọt tăng cao.
Ngoài ra Biển Chết còn nằm trong khu vực sa mạc, lượng mưa trung bình năm thấp chỉ khoảng 50-60mm/năm nên không thể bù đắp được lượng nước biển bốc hơi hàng năm (1.000mm/năm).
Tuy nhiên, đây không phải nguyên nhân chính khiến lượng nước ở Biển Chết giảm mạnh bởi theo giáo sư Emi Ito thì khi diện tích biển thu hẹp, độ mặn tăng lên thì tốc độ bay hơi cũng chậm lại.
Thế nhưng hiện tượng mực nước Biển Chết giảm vẫn diễn ra nhanh chóng, thủ phạm chính không phải là tự nhiên mà chính là do sự tác động từ bàn tay con người.
Năm 1960, Israel xây dựng một con đập lớn trên bờ biển Galilee chuyển nước từ dòng sông Jordan vào hệ thống đường ống cấp nước quốc gia. Đặc biệt, những năm 1970, nhiều quốc gia ven sông Jordan bắt đầu xây dựng hồ chứa để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và làm muối khô, những hành động này đã tác động vào việc thu nhỏ vùng biển này.
Đến nay, toàn bộ lưu vực phía nam của Biển Chết hầu như cạn kiệt. Số lượng hố sụt ngày càng ra tăng. Hiện tượng này là do sự sụt giảm đột ngột của tầng nước ở bên dưới mặt đất.
Hàng trăm gia đình đã phải sơ tán sau khi 800 hố sụt xuất hiện ở khu vực ven Biển Chết gần Jordan, 1.200 hố ở phía Palestine và Israel. Đến nay, số lượng hố sụt này đã tăng lên khoảng 3.000 hố.
Trước sự thu hẹp nhanh chóng của Biển Chết, nếu không có biện pháp ứng cứu kịp thời thì nguy cơ địa danh Biển Chết sẽ "chết" thực sự và chẳng mấy chốc sẽ biến khỏi bản đồ thế giới, gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch, công nghiệp địa phương cũng như môi trường.
Nguồn Báo Đất Việt