Thứ Ba | 14/08/2012 16:02

Bí mật sức mạnh kinh tế Đức

Sự ổn định về tài chính cùng khả năng chống chọi trước khủng hoảng giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành sức mạnh cho kinh tế Đức.
a

Ngày càng nhiều người Đức muốn nhìn thấy cảnh tượng khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) tan rã, song phần đông các doanh nhân lại không mong muốn điều đó. Hơn ai hết, các doanh nghiệp Đức hiểu rõ những lợi ích kinh tế mà eurozone mang lại cho đất nước, và họ sẵn sàng trả mọi giá để giữ liên minh này nguyên vẹn.

Bà Dagmar Bollin-Flade, chủ sở hữu một công ty máy móc thiết bị nhỏ tại Đức, cho biết: "Vào thời điểm này tại Đức, đâu đâu cũng có thể bắt gặp câu nói "Chúng tôi muốn rời khỏi eurozone", song bản thân những người đó lại không nhận thức được lợi ích của nó".

Công ty của của bà Bollin-Flade cùng hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ khác ở Đức - được gọi là Mittelstand - chính là nơi tạo ra hơn 60% công ăn việc làm cho người lao động trong nước.

Các doanh nghiệp thuộc nhóm Mittelstand cũng chính là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ đồng euro, bởi đồng tiền này giúp các công ty nhỏ như của bà Bollin-Flade có được vị thế như một công ty đa quốc gia trên trường quốc tế.

z
Trên thực tế, kinh tế Đức cũng giống như một Mittelstand với quy mô lớn và được xây dựng để duy trì sự ổn định chứ không phải tìm kiếm tăng trưởng. Trong giai đoạn khủng hoảng, thận trọng luôn được đánh giá cao hơn lợi nhuận.

Chính sự thận trọng đó của nước Đức đôi khi khiến những nước láng giềng nổi giận, bởi họ hy vọng người Đức sẽ chi tiêu nhiều hơn để kích thích tăng trưởng cho phần còn lại của eurozone. Tuy nhiên, người Đức lập luận rằng mục tiêu duy nhất của họ là giúp đất nước thoát khỏi suy thoái và tránh được thảm cảnh như ở Tây Ban Nhà và Italia.

Theo Viện nghiên cứu Mittelstand tại Bonn, trong khi Hy Lạp chìm trong nợ và eurozone ngày một suy yếu, thì các công ty thuộc nhóm Mittelstand lại kiên quyết cắt giảm chi tiêu của mình và chỉ chú trọng vào dự trữ.

"Họ muốn củng cố sự độc lập của mình đối với các ngân hàng và thể chế tài chính bên ngoài", ông Christoph Lamsfuss, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Mittelstand nhận định. "Các công ty Mittelstand muốn đảm bảo rằng các thế hệ tiếp theo sẽ được thừa hưởng một nền tảng doanh nghiệp vững chắc, và xét cho cùng, điều đó có lợi cho kinh tế Đức", ông nói.

Mặc dù ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy khủng hoảng bắt đầu làm tổn thương ngành công nghiệp Đức, như kinh tế tăng trưởng khiêm tốn trong quý II, sản xuất tại các nhà máy giảm 0,9% trong tháng 6 hay số đơn đặt hàng giảm, song có lý do để tin rằng các doanh nghiệp trong nhóm Mittelstand đủ sức trụ vững trước suy thoái. Những biến động trong thế kỷ 20, cùng tình trạng trì trệ của nước Đức sau khi thống nhất, và gần đây nhất là khủng hoảng tài chính 2009 đã dạy các doanh nghiệp Mittelstand làm cách nào để chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

Mặc dù vậy, nhóm Mittelstand vẫn có lý do để lo lắng cho tương lai của eurozone. Trong cuộc thăm dò mới đây do Liên đoàn công nghiệp Đức thực hiện, số lượng các công ty trong nhóm Mittelstand tỏ ra bi quan về tình hình kinh doanh trong 12 tháng tới đã tăng vọt.

Bà Bollin-Flade - một trong 10 doanh nhân được mời tham dự buổi thảo luận về các vấn đề liên quan tới nhóm Mittelstand cùng thủ tướng Angela Merkel hồi năm ngoái - cho biết bà ủng hộ chiến lược viện trợ tài chính cho các nước eurozone gặp khó khăn của chính phủ. "Điều đó sẽ mang lại lợi ích cho nước Đức", bà Bollin-Flade nói.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện