
Phần lớn châu Phi, ở những nơi tránh được chiến tranh, đảo chính hay thánh chiến, vẫn đang đối mặt với tình trạng kinh tế trì trệ và lạm phát hai chữ số. Ảnh: Panos Pictures.
Bí mật lớn nhất của Châu Phi: Sự thành công của Bờ Biển Ngà
Cha mẹ ông Bernard Ayitee chuyển đến Bờ Biển Ngà vào những năm 1980, thời điểm cuối giai đoạn tăng trưởng kinh tế đỉnh cao mà người ta gọi là “phép màu Bờ Biển Ngà”. Họ đến để làm việc, bị cuốn hút bởi sự cởi mở và giàu có của đất nước này. Ông Bernard, giờ 38 tuổi, là một nhà quản lý quỹ đầu cơ, mang trong mình dòng máu Nigeria, Benin, Togo và Ghana. Ông lớn lên ở đó, nhưng sau này qua Pháp học và làm việc. Cách đây 10 năm, ông trở về cùng với nhiều người khác, cảm nhận rằng đất nước sắp có một bước ngoặt lớn. “Nơi này được trời ban phước”, ông nói.
Phần lớn châu Phi, ở những nơi tránh được chiến tranh, đảo chính hay thánh chiến, vẫn đang đối mặt với tình trạng kinh tế trì trệ và lạm phát hai chữ số. Tuy nhiên, Bờ Biển Ngà, quốc gia 31 triệu dân nằm ở phía tây châu lục, nổi bật như một ngoại lệ đáng chú ý. Vượt qua hai cuộc nội chiến tàn khốc, giai đoạn 2002-2007 và 2010-2011 – đất nước này đã có cú lội ngược dòng ấn tượng. Mục tiêu đạt mức thu nhập trung bình cao trong vòng 5 năm tới của chính phủ giờ đây không còn xa vời. Với cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào cuối năm, câu hỏi đặt ra là liệu một “phép màu Bờ Biển Ngà” thứ hai có đang hình thành?.
![]() |
Bằng chứng từ các con số kinh tế cho thấy khả năng này. Trong giai đoạn 2012-2023, nền kinh tế tăng trưởng đều đặn 7% mỗi năm, và IMF dự báo mức 6,5% cho 2024-2025. Ngay cả khi COVID-19 hoành hành, đà tăng vẫn được duy trì. Lạm phát ở mức thấp, chỉ 3,8% trong năm 2024, so với trung bình 21,6% ở Tây Phi. Thâm hụt ngân sách, dù chưa nhỏ, đang dần được thu hẹp. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên – nỗi đau đầu của nhiều nước châu Phi chỉ dừng ở 5%. Khảo sát thanh niên châu Phi năm 2024 do một tổ chức Nam Phi thực hiện cho thấy Bờ Biển Ngà là nơi duy nhất đa số người trẻ cảm thấy tìm việc không khó. GDP bình quân đầu người đạt 2.900 USD/năm, dẫn đầu Tây Phi, chỉ kém Cape Verde nhỏ bé.
Điều gì đã tạo nên sự bùng nổ này? Không thể chỉ đổ cho sự phục hồi sau chiến tranh, vì đà phát triển đã kéo dài quá lâu để lý giải theo cách đó. Chìa khóa nằm ở những chính sách kinh tế sáng suốt. Một trong những yếu tố quan trọng là sự đa dạng hóa. “Phép màu” đầu tiên của Bờ Biển Ngà đến từ cú bứt phá trong sản xuất cacao lĩnh vực mà họ vẫn giữ vị trí số một thế giới nhưng giờ đây nông nghiệp không còn là trụ cột duy nhất. Đến năm 2022, ngành dịch vụ đã chiếm hơn nửa GDP, trong khi công nghiệp đóng góp khoảng một phần tư, tăng mạnh từ mức 16% hồi năm 2000. Nhờ vậy, nước này giảm bớt sự lệ thuộc vào những biến động khó lường của giá cacao.
![]() |
Một động lực khác là dòng vốn. Không giống nhiều nước láng giềng, Bờ Biển Ngà đã thu hút được đầu tư tư nhân mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng dòng vốn trung bình 8,6% mỗi năm suốt thập kỷ qua. Từ 2012-2024, họ vượt qua tất cả các nước Tây Phi nói tiếng Pháp về lượng vốn đầu tư cổ phần tư nhân. Các công ty nước ngoài đổ tiền vào ngân hàng, công nghệ tài chính, cũng như ngành sản xuất và đóng gói. Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Bờ Biển Ngà là nước có “khoảng cách tài chính” nhỏ nhất trên lục địa, nghĩa là họ cần ít vốn bổ sung nhất để đạt được cái gọi là “chuyển đổi cấu trúc”.
Công lao lớn thuộc về chính phủ của Tổng thống Alassane Ouattara, cựu Phó Giám đốc IMF, người cầm quyền từ năm 2010. Ông tích cực quảng bá đất nước ra thế giới. Bộ luật đầu tư năm 2018 đưa ra ưu đãi thuế và miễn hải quan cho nhà đầu tư chi mạnh tay và thuê người địa phương, cải thiện luật cũ từ 2012. Theo ông Ayitee, chính sách này không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn làm nước này vui hơn, kéo đầu tư vào du lịch và khách sạn. Chính phủ cũng chi tiền vào những thứ thiết thực như cơ sở hạ tầng. Điện cũng được cải thiện: năm 2013 chỉ 34% dân số có điện, giờ đã lên 94%.
Để giữ đà tăng trưởng, nước này đang mở rộng khai thác dầu và khí đốt. Công ty Eni của Ý đầu tư 10 tỉ USD vào mỏ Baleine ngoài khơi, bắt đầu giai đoạn hai vào tháng 12, sản xuất 70 triệu feet khối khí và 60.000 thùng dầu mỗi ngày. Ông Ouattara nói sản lượng dầu có thể lên 200.000 thùng/ngày vào năm 2027.
Nhưng thành công của Bờ Biển Ngà không phải hoàn hảo. Doanh nhân than phiền giới trẻ thiếu kỹ năng, cũng dễ hiểu vì nội chiến phá hủy gần hết trường học. Với biến đổi khí hậu, dựa vào dầu khí có thể không phải cách hay để giữ tăng trưởng lâu dài. Mối nguy lớn nhất là chính trị. Ông Ouattara, 83 tuổi, thắng nhiệm kỳ thứ ba dù hiến pháp giới hạn hai nhiệm kỳ.
Người dân Bờ Biển Ngà hy vọng cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ và ông Ouattara sẽ nhường chỗ cho người mới. Một quan chức AfDB nhận xét rằng, không như nhiều nước Tây Phi khác, “15 năm qua, đời sống người dân Bờ Biển Ngà không hề đi xuống.” Nhưng điều đó cũng có nghĩa là họ có những thành quả quý giá để giữ gìn, và cũng có thể mất đi.
Nguồn The Economist