Bí mật chấn động về chủ hãng Mossack Fonseca trong "Hồ sơ Panama"
Nhưng công ty này còn một bí mật nữa: một trong số những nhà sáng lập của nó, Jurgen Mossack là con trai của một sỹ quan Đức Quốc xã từng phục vụ trong đơn vị “Totenkopf” (Đầu tử thần) trong Thế chiến II.
Cha của ông Jurgen Mossack, Erhard Mossack từng là thành viên của lực lượng vũ trang SS của Đức Quốc xã. Lực lượng này tuyển rất nhiều lính từ các trại tập trung đến làm việc.
Erhard đã tham gia đơn vị chiến đấu với biểu tượng là chiếc đầu lâu tử thần màu đen. Năm 1948, Eahard đưa gia đình từ Đức đến Panama, nhưng sau đó lại quay lại Đức trong những năm 1970.
Thông tin từ Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), dẫn nguồn từ các tài liệu của quân đội Mỹ cho biết, “các hồ sơ tình báo cũ” cho thấy Erhard Mossack còn từng đề nghị được làm gián điệp tại Cuba cho CIA khi còn sinh sống ở Panama.
Bức màn bí mật xung quanh hoạt động của hãng luật Mossack Fonseca đã bị xé toang hôm Chủ Nhật tuần trước, khi các hãng truyền thông trên khắp thế giới đồng loạt đưa tin về một số lượng lớn hồ sơ trốn thuế rò rỉ từ công ty này.
Trong 11 triệu trang hồ sơ xuất hiện tên của nhiều chính trị gia, các ngôi sao thể thao và những người nổi tiếng. Số hồ sơ này cũng tiết lộ những thủ thuật được cho là đã được Mossack Fonseca áp dụng để giúp khách hàng trốn thuế, bao gồm việc tìm đến các thiên đường thuế tại Quần đảo British Virgin và một số nước Thái Bình Dương.
Về phần mình, hãng luật Mossack Fonseca vẫn giữa nguyên quan điểm rằng việc tiết lộ chi tiết "Hồ sơ Panama" là “một tội ác” và là “một sự công kích” vào Panama.
“Đây là một tội ác, một trọng tội. Đây là một sự công kích nhắm vào Panama bởi có những quốc gia không thích việc chúng tôi thu hút được nhiều công ty đầu tư,” Ramon Fonseca, một trong số những người sáng lập công ty Mossack Fonseca trả lời hãng tin AFP.
Bên trong hãng luật Mossack Fonseca
Một trong số hai luật sư đã sáng lập ra hãng luật Mossack Fonseca cách đây hơn 30 năm là Jurgen Mossack. Ông sinh năm 1948 ở Đức và đã chuyển đến sống ở Panama với gia đình, cũng như lấy bằng luật sư ở đây.
Người còn lại là Ramos Fonseca, sinh năm 1952, cũng lấy bằng luật sư tại Panama. Ông Fonseca còn từng học tại trường Kinh tế London danh giá, và từng có ý định trở thành một mục sư.
Fonseca chỉ điều hành một công ty nhỏ tới khi hợp nhất với công ty của Mossack. Cả hai bắt đầu tiến hành kinh doanh ở hải ngoại bằng cách mở các văn phòng ở Quần đảo British Islands.
ICIJ cho biết tài liệu rò rỉ cho thấy một nửa trong số các công ty mà hãng luật Mossack Fonseca sáp nhận - khoảng hơn 113.000 công ty - đã được thành lập tại thiên đường tài chính này. Mossack Fonseca còn có chi nhánh ở Thái Bình Dương, trên một quốc đảo nhỏ có tên Niue.
Theo ICIJ, tới năm 2001, hãng luật đã kiếm được số tiền rất lớn từ các cơ sở ở hải ngoại, và đóng góp tới 80% ngân sách hàng năm của Niue.
Khi Quần đào British Islands bị buộc phải xiết chặt các phương thức cho phép sở hữu công ty nặc danh, Mossack Fonseca đã chuyển công việc kinh doanh về Panama và hòn đảo Anguilla ở biển Caribbean.
Khi Hồ sơ Panama bị phanh phui, Mossack Fonseca đã bỏ ra nhiều tiền để cố xóa các tin tức trên mạng cho rằng công ty dính đến hoạt động rửa tiền và trốn thuế. Nhưng các quốc gia khác lại càng quan tâm hơn đến hoạt động của công ty này.
Mossack Fonseca nằm trong danh sách các công ty có dính líu đến một vụ bê bối tham nhũng lớn của công ty dầu mỏ nhà nước Petrobras ở Brazil. Công ty cũng lọt vào tầm ngắm của bang Nevada của Mỹ, khi một thẩm phán tại bang này khẳng định công ty đã cố gắng che đậy vai trò quản lý của mình với chi nhánh tại đây.
Tháng trước, Ramos Fonseca, người đã là cố vấn cho tổng thống Panama Juan Carlos Varela từ năm 2014 đã tuyên bố sẽ “nghỉ phép” như một động thái “bảo vệ danh dự” trước những lời buộc tội từ phía Brazil ngày càng tăng./.
Nguồn Vietnam+