Bi kịch của ngân hàng 500 năm tuổi
Để thoát khỏi tình trạng khó khăn, MPS sẽ nhận sự trợ giúp của chính phủ thông qua việc đứng ra bán số trái phiếu chuyển đổi trị giá 4,5 tỷ euro (tương đương 6 tỷ USD). Đóng cửa phiên 25/1, giá trị vốn hóa của MPS ở mức chưa đến 3 tỷ USD. MPS trả mức lãi suất 9% và lãi suất sẽ tăng lên bắt đầu từ năm tới.
MPS đã từng được coi là 1 định chế tài chính khá vững chãi. Ngân hàng này hoạt động 1 cách thận trọng, khôn ngoan, không dấn thân vào những trò phiêu lưu mạo hiểm và có mối liên kết chặt chẽ với thành phố Siena - nơi nó được thành lập ra từ năm 1472 và vẫn là nơi ngân hàng này đặt trụ sở chính.
Tuy nhiên, các cổ đông của MPS đã được 1 phen hoảng hồn khi phát hiện ra rằng bộ máy lãnh đạo trước đó đã thực hiện những thương vụ đầy rủi ro và tệ hơn là họ đã không gặp may.
Tính đến cuối tháng 9/2012, MPS đã bị lỗ tới gần 1,7 tỷ euro. Giờ đây, các cổ đông của MPS tự hỏi liệu kết quả kinh doanh của cả năm 2012 có tồi tệ hơn cả năm 2011 hay không. Năm 2011, ngân hàng này ghi nhận khoản lỗ ròng 4,7 tỷ euro.
Tại sao mọi thứ lại trở nên tồi tệ như vậy? Gốc rễ của mọi rắc rối mà MPS đang gặp phải nằm ở sự yếu kém trong quản lý, giám sát và cả các vấn đề liên quan đến chính trị. Cách đây 20 năm, khi các ngân hàng trực thuộc nhà nước của Italia chuyển sang mô hình cổ phần, các chính trị gia ở Siena không muốn như vậy. Họ muốn giữ nguyên các đặc điểm mang tính địa phương của các ngân hàng. Kết quả là, thậm chí đến ngày nay, trong số 16 thành viên hội đồng quản trị của Fondazione Monte dei Paschi di Siena (nắm giữ tổng cộng 35% cổ phần của MPS), có tới 13 người được lựa chọn ra bởi chính quyền thành phố.
Năm 2006, luật sư Giuseppe Mussari được bầu làm chủ tịch của MPS và giữ vị trí đó cho đến năm ngoái. Năm 2007, hội đồng quản trị của MPS đưa ra quyết định mua lại Banca Antonveneta từ Santander với mức giá 10 tỷ USD. Và, chính động thái này khiến MPS lụn bại.
Các nhà quản lý đã làm được những gì trong suốt 5 năm qua là điều khiến nhiều người quan tâm. Tháng 12/2005, Mario Draghi - giờ đây là Chủ tịch NHTW châu Âu (ECB) - bắt đầu được bổ nhiệm vào vị trí thống đốc NHTW Italia. Khi đó, Banca Antonveneta có liên quan đến 1 vụ scandal. Đáng lẽ ra, trong hoàn cảnh như vậy, ông Draghi nên điều tra kỹ hơn về thương vụ MPS thâu tóm Banca Antonveneta.
Các yếu tố chính trị, quản lý yếu kém và giám sát không chặt chẽ đã gây nên hậu quả không hề dễ chịu. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất. Tòa án địa phương và cảnh sát tài chính Italia đang nghi ngờ vụ thâu tóm Banca Antonveneta có dấu ấn của tham nhũng. Hy vọng rằng tất cả những sóng gió này sẽ không dẫn đến kết cục tồi tệ nhất cho ngân hàng lâu đời nhất thế giới.
Nguồn CafeF