Trung Quốc bắt buộc quay trở lại mô hình tăng trưởng cũ bằng cách tăng đầu tư công. Ảnh: Getty Imagines
Bị "đả thương", Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất từ năm 2009
"Thách thức bên ngoài gia tăng"
Kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại vào quý III/2018. Theo số liệu do cơ quan thống kê quốc gia thông báo hôm 19.10.2018, tăng trưởng của Trung Quốc từ tháng 7 đến tháng 9, chỉ là 6,5%, thấp hơn dự báo của Bắc Kinh. Đây được xem là mức thấp nhất từ 2009.
Trước đó, trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, giới phân tích dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ tăng 6,6% trong quý III, giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 6,7% ghi nhận trong quý trước đó.
Đầu tư sụt giảm, người tiêu thụ bớt mua sắm ồ ạt, sự kiện kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại này trước tiên có nguyên nhân nội bộ. Trước sự gia tăng đáng ngại của khối nợ chính quyền địa phương, lãnh đạo ở trung ương đã kiềm hãm các công trình lớn. Đầu tư vào hạ tầng cơ sở hạ tầng, đường sắt… đã giảm, và tại các thành phố lớn, tầng lớp trung bình cũng giảm mua sắm, bớt chi tiêu.
Mực độ phát triển chậm lại vào quý III thấp hơn dự kiến cũng là hậu quả của cuộc chiến thương mại với Mỹ như phát ngôn viên cơ quan thống kê đã công nhận trong cuộc họp báo: “Thách thức bên ngoài đã gia tăng mạnh trong lúc mà những khó khăn trong nước do cải tố cơ cấu tiếp tục xuất hiện”.
Tỉ giá Nhân dân tệ/USD |
Tuy nhiên, phát ngôn viên này cho rằng tăng trưởng của nền kinh tế thứ nhì thế giới vẫn "hợp lý" trong 3 quý đầu năm dù "bấp bênh" do những "biến số trong bối cảnh bên ngoài và tranh chấp thương mại với Mỹ". Tình hình tăng trưởng "hợp lý" này có thể còn chậm lại hơn nữa nếu Mỹ gia tăng thêm các biện pháp trừng phạt.
Rõ ràng, tác động từ cuộc tranh cãi với Mỹ được trông đợi là sẽ tạo áp lực lên mức tăng trưởng trong những tháng tới.
Kelvin Tay, Giám đốc đầu tư khu vực tại UBS Global Wealth Management, cho biết Trung Quốc không thể duy trì tăng trưởng ở mức 6,6 - 6,7% mỗi quý do cuộc tranh chấp thương mại đang xảy ra với Mỹ.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã giảm bớt xuất khẩu và dựa nhiều hơn vào tiêu thụ nội địa để tăng trưởng. Cùng lúc, chính phủ đang phải vật lộn với việc kiềm chế khoản nợ đang phình to liên quan tới làn sóng phát triển cơ sở hạ tầng, kiềm chế tình trạng bong bóng nhà ở, mà không làm ảnh hưởng tới mức tăng trưởng.
Thị trường chứng khoán Thượng Hải |
Mô hình tăng trưởng cũ
Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã có các bước đi nhằm hỗ trợ kinh tế, trong đó có việc cắt giảm các đòi hỏi về vốn để làm tăng mức thanh khoản, và để làm dịu bớt mức giảm tốc tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc 4 lần trong năm nay. Những động thái này được mô tả là nỗ lực để bơm thêm thanh khoản cho thị trường và hỗ trợ tăng trưởng giữa lúc xung đột thương mại với Mỹ.
Cuộc chiến thương mại đang làm suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và buộc các nhà chức trách phải quay lại mô hình tăng trưởng cũ để bù đắp cho các thiệt hại do áp thuế lên hàng Mỹ. Gần đây, các ngân hàng Trung Quốc đang kích thích cho vay để tăng các khoản đầu tư, nhằm duy trì tăng trưởng ở mức cao, nhưng đồng nghĩa với việc các khoản nợ sẽ nhiều lên.
→Chính quyền Trump chống Trung Quốc toàn diện
Từ đầu năm đến hết tháng 9, tăng trưởng chi tiêu cơ sở hạ tầng giảm xuống còn 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bây giờ, Bắc Kinh dường như đang suy nghĩ lại những nỗ lực thắt lưng buộc bụng của họ. Các quan chức đang bắt đầu khuyến khích đầu tư mới. Để giảm gánh nặng ngân sách, nhiều chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư được đưa ra. Con số mới thống kê cho thấy có 1.222 dự án cơ sở hạ tầng trị giá 362 tỉ USD sẽ được tài trợ bởi các công ty tư nhân.
Con số chính xác không rõ ràng, nhưng các chuyên gia đồng ý rằng gánh nặng nợ là rất lớn. Trong một báo cáo trong tuần này, S&P Global ước tính rằng các chính quyền địa phương của Trung Quốc gánh tới 6.000 tỉ USD nợ nần. Con số này tương đương với khoảng ba phần năm tổng sản lượng kinh tế của Trung Quốc. Các nhà phân tích gọi đây là “mức báo động”.
Vì thế, Zhu Haibin, nhà kinh tế tại JP Morgan dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm tới sẽ chỉ còn 6,1%. "Chúng tôi cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ càng trầm trọng trong năm tới", ông nói.
Các số liệu quý III là những số liệu đầu tiên được Bắc Kinh công bố kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tấn công Trung Quốc với hai biểu thuế quan, nhắm vào lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỉ USD.
→Trump muốn ký nhiều hiệp định thương mại để kiềm chế Trung Quốc