Thứ Bảy | 08/08/2015 12:45

Bí ẩn đằng sau vụ Nga bán Alaska cho Mỹ

Nhiều chi tiết bí ẩn vẫn còn bao trùm câu chuyện Hoàng đế Alexander đệ Nhị bán Alaska, mảnh đất tại Bắc Mỹ, cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Sputnik cho biết.

Hiệp ước chuyển nhượng Alaska được ký kết 148 năm về trước vào ngày 30/3. Thỏa thuận đến từ hai phía đại diện cho Nga và Mỹ là công sứ Nga tại Mỹ - ông Edward de Stoeckl, và Bộ trưởng ngoại giao Mỹ - ông William H. Seward.

Khu vực thuộc sở hữu của Nga tại Bắc Mỹ rộng khoảng 1,52 triệu km2, được bán đổi lấy vàng với giá trị vỏn vẹn 7,2 triệu USD, tương ứng với 114 triệu USD theo tỷ giá hiện nay. Vị chi, mỗi hecta có giá 5 cent.

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ mua được đất với giá hời. 60 năm về trước, Washington đã mua 2,14 triệu km2 lãnh thổ Louisiana với giá 68 triệu francs, tương đương chưa đầy 8 xu cho 1 hecta.

Tuy nhiên cho đến giờ, Hiệp ước chuyển nhượng Alaska còn gây tranh cãi giữa các chuyên gia của Nga và phương Tây. Nhiều nhà nghiên cứu của Nga còn cho rằng Alaska không được bán đứt, mà chỉ được cho thuê trong 99 năm vì số tiền quá ít ỏi.

Bối cảnh diễn ra thương vụ cũng chưa rõ ràng. Một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng Kho bạc Nga chưa nhận được tiền vì tàu Orkney chở vàng của Mỹ tới Nga đã chìm ở Biển Baltic.

Tuy nhiên điều gây nhiều thắc mắc nhất vẫn là lý do Sa hoàng Nga đồng ý bán đi một khu vực được người Nga khai phá và gìn giữ đã 126 năm.

Cái cớ để “lại quả”?

Có nhận định thương vụ bán Alaska là giả mạo. Mỹ chỉ lấy đó làm cớ để chuyển vàng “lại quả” cho Nga vì đã ủng hộ Washingon trong cuộc Nội chiến Mỹ giai đoạn 1861 – 1865.

Tới giờ, người ta vẫn chưa rõ quân đội Nga đã giúp đỡ gì cho chính phủ liên bang miền Bắc và ông Abraham Lincoln. Tuy nhiên, không thể phủ nhận liên quân giữa Tổng thống Lincoln và Sa hoàng Alexander Đệ nhị là một đòn chí tử giáng vào kế hoạch xâm lược của Anh, góp công lớn đưa miền Bắc Mỹ giành chiến thắng.

“Hai nhân tố chủ đạo trong chính sách ngoại giao của miền Bắc là Anh và Nga. Thơ ca thế kỷ 20 có xu hướng bóp méo bản chất của cả hai, lờ đi đe dọa từ phía Anh và xem nhẹ tình chiến hữu từ phía Nga”, nhà sử học Mỹ Webster Griffin Tarpley nhấn mạnh.

Ông Tarpley thuật lại việc Anh đã lên kế hoạch xâm lược Mỹ thông qua vụ ném bom Boston và New York. Anh và Pháp muốn nhân cơ hội nội bộ Mỹ lục đục để giành lại quyền kiểm soát thuộc địa cũ.

Nhằm ngăn chặn âm mưu của liên quân Anh – Pháp, Nga đã điều lực lượng Hải quân tới bảo vệ chính quyền liên bang miền Bắc nước Mỹ trước ngoại xâm.

Anh nhanh chóng nhận ra họ sẽ phải trả giá đắt nếu vẫn tấn công Mỹ.

Miền Bắc nước Mỹ hàm ơn Nga vì các hỗ trợ về mặt quân sự và chính trị. Giả thiết Alaska chỉ là cái cớ cho khoản “lại quả” là có cơ sở, tuy nhiên lại không có tài liệu làm bằng chứng

Sợ mất trắng?

Có nhiều giả thiết khác đặt ra. Một là, Nga bán đi mảnh đất Bắc Mỹ vì quốc gia này đã cạn kiệt sau cuộc chiến Crimea giai đoạn 1853 – 1856, nên không còn nguồn lực để xây dựng Alaska. Hai là, Nga lo ngại Anh trước sau cũng sẽ lợi dụng xung đột để cướp Alaska. Ba là, Nga sợ người Mỹ sớm muộn cũng chen chân tới Alaska, lúc đó nước này sẽ mất trắng vùng đất mà không được một đồng nào.

Nhưng một số nhà sử học Nga phản bác các khả năng trên vì tính phi thực tế. Lịch sử chứng minh Nga hoàn toàn có khả năng “cân não” Anh qua cuộc Nội chiến Mỹ. Thêm vào đó, Nga có thể tận dụng sự hiện diện tại Trung Á để đối trọng tiểu lục địa Ấn Độ thuộc Anh, cùng lúc ngăn chặn hạm đội Anh trên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Tương tự, khó chấp nhận giả thiết cho rằng Nga sợ Mỹ giành mất Alaska. Nga và Mỹ từng có mối bang giao đặc biệt, chia sẻ nhiều lợi ích chung về chính trị và kinh tế.

Alaska là gánh nặng?

Quay lại giả thiết một. Nhà sử học Nga Ivan Mironov khẳng định trước đây chính quyền Nga không tiêu tốn một xu nào trong ngân sách để phát triển Alaska. Tất cả gánh nặng về tài chính đều do công ty Russian American - thực thể liên doanh đầu tiên của Nga được thành lập năm 1799 – gánh vác.

Công ty được trao độc quyền thương mại trong hơn nửa thập kỷ tại đây. Russian American đã khai phá và kiến thiết Alaska, giao thương, nghiên cứu khoa học và thiếp lập mối liên kết chặt chẽ với người dân bản xứ.

Không chỉ lấy lại vốn, công ty còn làm ăn có lãi, đóng góp đáng kể vào ngân khố với doanh thu lên tới một triệu ruble thời bấy giờ.

Alaska không hề là gánh nặng về mặt tài chính của Nga, mà ngược lại còn là con ngỗng đẻ trứng vàng.

Lòng tham và sự tha hóa

Vậy xét cho cùng, đâu là lý do khiến Nga phải miễn cưỡng bán Alaska? Ông Mironov cho rằng là do lòng tham và sự tha hóa.

Năm 1857, Đại công tước Konstantin, em trai của Sa hoàng Alexander Đệ nhị, vạch ra kế hoạch chuyển nhượng Alaska cho Mỹ. Vì Russian American là vật cản lớn nhất trong thương vụ, Konstantin đã làm mọi cách để hủy hoại công ty.

Phải chịu đựng cái gọi là “chiến tranh thông tin”, Russian American hứng tổn thất tài chính trong nhiều năm liền, các cổ đông bị tước quyền điều hành.

Chỉ 6 nhân vật trong chính phủ Nga biết về kế hoạch của Konstantin. Nhóm thân cận này nói sự phá sản của Russian American sẽ biến Alaska thành “cục nợ” cho ngân sách, từ đó hối thúc Nga bán Alaska cho Mỹ.

Sau hơn một nửa thập kỷ đổ công sức xây dựng Alaska, các cổ đông tư nhân của Russian American giờ bị gạt ra lề trong lạnh lùng. Tài sản của họ được chuyển về cho Mỹ, bản thân công ty không nhận được bất cứ sự đền bù nào.

Bản thân bản Hiệp ước là phi pháp, vì nó vi phạm nghiêm trọng Bộ luật của Nga, ông Mironov nhận xét. Con cháu của cổ đông công ty Russian American hoàn toàn có quyền đâm đơn kiện và lấy lại công lý.

Ngoài ra, ông Mironov lưu ý về một lỗ hổng trong bản Hiệp ước. Điều khoản chuyển nhượng không có cụm từ truyền thống trong các hợp đồng của Nga là “từ giờ cho đến mãi mãi về sau”, ngụ ý Alaska được bán “vĩnh viễn” cho Mỹ. Điều này đồng nghĩa Alaska có ngày sẽ được chuyển về cho Nga, ông dự đoán.

Nguồn Bizlive