Hai người đàn ông gạt khẩu trang xuống cằm, đang nghỉ dưới gốc cây trong thị trấn ở ngoại ô Harare ngày 16/11/2021. Ảnh: AP.

 
Minh Duy Thứ Hai | 22/11/2021 10:45

Bí ẩn COVID-19 ở châu Phi

Dân số đông và y tế kém, vì sao COVID-19 ở châu Phi không tử vong như Mỹ?

Có một điều gì đó “bí ẩn” đang xảy ra ở châu Phi khiến các nhà khoa học bối rối. Châu Phi không có vaccine và các nguồn lực để chống lại COVID-19 như ở châu Âu và Mỹ, nhưng họ có vẻ đang làm tốt hơn.

Tại khu chợ sầm uất ở một thị trấn nghèo bên ngoài thủ đô Harare - Zimbabwe vào tuần này, anh Nyasha Ndou vẫn để khẩu trang trong túi.

Hàng trăm người khác, phần lớn cũng không đeo khẩu trang, chen lấn mua bán trái cây và rau quả bày trên những chiếc bàn gỗ và tấm nhựa.

Đầu tuần này, Zimbabwe chỉ ghi nhận 33 ca mắc COVID-19 mới và không có trường hợp tử vong nào. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hiện chỉ có gần 6% người dân ở châu Phi được tiêm chủng COVID-19 nhưng số ca mắc tại đây đã giảm kể từ tháng 7 năm nay.

Theo CNN, giới chức y tế thế giới nhiều lần lo ngại đại dịch sẽ giết chết hàng triệu người ở châu Phi song kịch bản thảm khốc đó đến nay vẫn xa vời.

Đất nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 ở châu lục đen là Nam Phi, với ước tính hơn 89.000 người tử vong. Dù vậy, dữ liệu của WHO cho thấy số ca tử vong do COVID-19 ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu, trong khi tỉ lệ này ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 46% và 29%.

Người dân trong khu chợ đông đúc ở ngoại ô thủ đô Harare, Zimbabwe ngày 15/11/2021. Ảnh: AP.
Người dân trong khu chợ đông đúc ở ngoại ô thủ đô Harare, Zimbabwe ngày 15/11/2021. Ảnh: AP.

Trưởng Khoa Y tế toàn cầu của Trường ĐH Columbia (Mỹ), bà Wafaa El-Sadr, cho rằng có một điều bí ẩn đang xảy ra ở châu Phi. "Châu Phi không có vaccine và các nguồn lực để chống lại COVID-19 như ở châu Âu và Mỹ nhưng chẳng hiểu sao tình trạng của họ có vẻ đang tốt hơn", bà El-Sadr nhận định.

Một số nhà nghiên cứu giải thích dân số trẻ của châu Phi - độ tuổi trung bình là 20 so với khoảng 43 ở Tây Âu - cộng thêm tỉ lệ đô thị hóa thấp hơn và xu hướng ở ngoài trời nhiều hơn có thể đã giúp lục địa đen thoát nạn.

Một số nghiên cứu đang xem xét các giả thuyết khác, bao gồm lý do di truyền hoặc quá khứ nhiễm các bệnh ký sinh trùng. Tại hội nghị của Hiệp hội Y tế và Vệ sinh nhiệt đới Mỹ ngày 19-11, các nhà nghiên cứu Uganda cho hay họ phát hiện những bệnh nhân COVID-19 dễ mắc sốt rét lại ít bị trở nặng hoặc tử vong hơn.

Trong khi đó, ông Devi Sridhar, Trưởng bộ phận sức khỏe cộng đồng toàn cầu tại Trường ĐH Edinburgh (Scotland), chỉ ra các nhà lãnh đạo châu Phi thực ra đã phản ứng rất nhanh, như Mali đóng cửa biên giới ngay cả khi COVID-19 chưa lan đến.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo việc thu thập dữ liệu COVID-19 ở châu Phi rất khó chính xác và tiêm chủng vẫn là yêu cầu hàng đầu. "Nhìn những gì đang xảy ra ở châu Âu, nguy cơ COVID-19 tràn ngập ở châu Phi là rất cao" - nhà dịch tễ học Salim Abdool Karim tại Trường ĐH KwaZulu-Natal (Nam Phi) nhấn mạnh. 

Có thể bạn quan tâm:

Công bố đột phá về thuốc điều trị COVID-19