Bernanke đang làm nên cuộc cách mạng ở Fed
Canh bạc đầu tiên của ông Bernanke khi giữ chức chủ tịch Fed là bơm 1,5 tỷ USD vào thị trường tài chính trong bối cảnh cuộc khủng hoảng toàn cầu nổ ra vào năm 2008. Vào thời điểm này, quyết định của ông Bernanke khiến không ít người ngạc nhiên. Kết quả là, Fed đã chặn đứng nguy cơ xảy ra cuộc suy thoái theo kiểu những năm 1930 và thậm chí ngân hàng trung ương Mỹ còn thu được lợi nhuận.
Canh bạc thứ 2 của ông Bernanke là điều chỉnh lãi suất cơ bản xuống gần bằng 0 bằng cách mua chứng khoán dài hạn. Một lần nữa, động thái này lại làm dấy lên câu hỏi liệu đợt "nới lỏng định lượng" của Fed có dẫn đến nguy cơ lạm phát?
Hạ nghị sỹ Newt Gingrich thuộc đảng Cộng hòa đã gọi ông Bernanke là chủ tịch Fed “nguy hiểm nhất” trong lịch sử. Thống đốc Texas Rick Perry thậm chí còn cho rằng: “Nếu ông Bernanke còn tiếp tục in tiền từ nay tới khi bầu cử, tôi không biết người dân sẽ trừng trị gã thế nào ở Iowa, chứ nếu ở Texas thì chúng tôi sẽ cho hắn lãnh đủ”.
Tuy vậy, chủ tịch Bernanke đã chứng minh được quyết định của mình là đúng đắn khi lạm phát lõi vẫn giữ ở mức dưới 2%.
Canh bạc thứ 3 của ông Bernanke hiện đang diễn ra. Khi công bố giai đoạn tiếp theo của kế hoạch mua lại trái phiếu, ông Bernanke đã từ bỏ cam kết quen thuộc là mua một lượng trái phiếu nhất định trong một khoảng thời gian cụ thể. Thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng Fed sẽ mua lượng trái phiếu cần thiết cho tới khi đạt được mục tiêu của mình. Không có giới hạn về số lượng cũng như thời gian, tức là vẫn “nới lỏng” nhưng không còn “định lượng”.
Cuộc cách mạng này của ông Bernanke gợi cho chúng ta nhớ lại thời kỳ những năm 1990, khi chính sách cố định cung tiền được thay thế bằng chính sách lạm phát mục tiêu. Cả trong quá khứ và hiện tại, Fed đều tập trung vào thước đo lạm phát - lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế hoặc lượng trái phiếu trong bảng cân đối kế toán của Fed - để hướng tới mục tiêu cuối cùng là tăng trưởng không lạm phát.
Quyết định này được coi là bước đi sáng suốt của Bernanke, giúp tạo ra công cụ bình ổn tự động trong nền kinh tế. Cụ thể, khi Fed xác định mua bao nhiêu trái phiếu hàng tháng, sự suy giảm đột ngột sẽ không thay đổi điều mà người dân mong đợi từ chính sách tiền tệ. Đồng thời, các nhà đầu tư và người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Tuy nhiên, nếu Fed cam kết làm bất cứ điều gì để giữ cho nền kinh tế tăng trưởng thì khi kinh tế suy giảm, người dân kỳ vọng Fed sẽ hành động thông qua đợt nới lỏng mới. Sự kỳ vọng này sẽ khiến lãi suất giảm.
Đây chỉ là một nửa những thay đổi chính sách gần đây của ông Bernanke. Trong việc chuyển trọng tâm từ quy mô cân đối kế toán của Fed sang các mục tiêu kinh tế, ông giải thích rằng những mục tiêu này bao gồm cả giảm tỷ lệ thất nghiệp ngay cả khi lạm phát tạm thời cao hơn.
Sự thay đổi này được coi là một cuộc cách mạng bởi trong 3 thập kỷ qua, các chủ tịch Fed đã tránh bất kỳ tuyên bố nào có nội dung như vậy. Về lâu dài, mức độ lạm phát do ngân hàng trung ương các nước xác định. Trong khi đó, số lượng việc làm trong dài hạn do tính linh hoạt của thị trường lao động và các yếu tố khác chi phối.
Trong suốt thời gian điều hành, ông Bernanke đã góp phần tạo ra sự đồng thuận để ủng hộ mục tiêu lạm phát. Ông luôn cho rằng mục tiêu nên được theo đuổi một cách linh hoạt, có nghĩa là sự chênh lệch tạm thời có thể chấp nhận được.
Trong tuyên bố tạo điều kiện cho đợt tăng giá tạm thời, ông đặt cược kỳ vọng lạm phát dài hạn sẽ được kiểm soát, điều này đòi hỏi mức lương trung bình và không có nguy cơ rơi vào vòng xoáy lạm phát.
Rõ ràng vẫn tồn tại những rủi ro trong chính sách này. Fed đang đánh cược về kỳ vọng giá cả - yếu tố dễ thay đổi. Fed kỳ vọng chính sách kích thích ồ ạt trong ngắn hạn sẽ không bị nhầm lẫn với sự thất bại trong việc giải quyết lạm phát trong dài hạn.
Tuy nhiên, Fed phải đối mặt với nền kinh tế, trong đó 5 triệu người Mỹ hiện đã bị thất nghiệp trong 6 tháng trở lên. Nếu không thực hiện chính sách trên thì những nguy cơ mà nền kinh tế phải đối mặt còn lớn hơn. Bernanke đã đứng lên chống lại sự đồng thuận chung về chính sách tiền tệ mà chính ông cũng góp phần, và có thể nói rằng sự nổi loạn của ông là có nguyên nhân.
Nguồn FT/Khampha